Hướng dẫn tạm thời về mô hình trạm y tế lưu động và quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 21/8, cả nước ghi nhận 11.321 ca mắc Covid-19, gồm 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh, thành phố; trong đó có 7.428 trong cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất từ trước đến nay. Tỉnh Bình Dương tiếp tục trở thành địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất, với 4.505 ca. Trong ngày, 7.272 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Về tình hình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tính đến nay, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 16.494.665 liều, trong đó tiêm mũi một là 14.787.599 liều; tiêm mũi hai là 1.707.066 liều.
Ngày 21/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4042/QĐ- BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế (TYT) lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhiệm vụ TYT là quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm Covid-19, gồm tổ chức xét nghiệm nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR...; tiêm chủng vắc-xin phòng, chống Covid-19... Tùy theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều TYT lưu động, bảo đảm mỗi cụm dân cư có khoảng từ 50 đến 100 trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà thì có một TYT lưu động.
Cùng ngày, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà. Theo hướng dẫn, người nhiễm Covid-19 được quản lý điều trị tại nhà là người được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu… Đồng thời, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SPO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường; tiêm đủ hai mũi hoặc một mũi vắc-xin Covid-19 sau 14 ngày; hoặc có đủ ba yếu tố như: Trẻ em hơn một tuổi; người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền theo quy định và không mang thai...
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe điều chỉnh kế hoạch đào tạo năm học 2021 - 2022 để huy động tập trung tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tạm hoãn thi, tạm hoãn khai giảng năm học mới để tập trung cho công tác tập huấn phòng, chống dịch và sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch khi có yêu cầu...
Trong hai ngày 20 và 21/8, Tổ Công tác của Bộ Y tế hoạt động thường trực tại ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã tiến hành chuyển giao, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế về một số kỹ thuật điều trị bệnh nhân Covid-19. Nội dung chuyển giao, tập huấn, gồm: Hướng dẫn giám sát, theo dõi trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 như, nhận biết khi bệnh nhân suy hô hấp, phương pháp điều trị và kỹ thuật sử dụng máy thở trong điều trị; điều trị bệnh nhân có diễn tiến nặng và chăm sóc bệnh nhân Covid-19...
Chiều 21/8, tại cuộc họp báo cung cấp về tình hình phòng, chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong thời gian tăng cường biện pháp phòng, chống dịch để thực hiện siết chặt việc giãn cách từ sau 0 giờ ngày 23/8. Theo đó, phân vùng xanh (vùng an toàn) và vùng vàng (nguy cơ thấp) với người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng có thể đi chợ một lần mỗi tuần. Những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ của thành phố. Ở vùng cam (nguy cơ cao) và vùng đỏ (nguy cơ rất cao) người dân chưa cần hỗ trợ, tổ công tác sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền, một tuần một lần; với những người khó khăn, sẽ nhận được các gói hỗ trợ...
Chiều 21/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19. Trong đó, thành phố tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 6/9. Các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội; siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Các quận, huyện, thị xã siết chặt công tác quản lý phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nhất là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai giảng truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Chiều 21/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành văn bản hỏa tốc, bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, trường hợp công dân đã hoàn thành cách ly 14 ngày tại những cơ sở cách ly tập trung, thay vì trở về địa phương theo dõi sức khỏe tại nhà thì nay bắt buộc phải thực hiện cách ly tại hộ gia đình thêm 14 ngày. Trong thời gian cách ly thêm này được xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần. Ngoài ra, áp dụng cách ly tập trung ngay đối với các trường hợp trở về từ vùng có dịch.
Ngày 21/8, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, chương trình “ATM oxy” do hội phát động triển khai từ đầu tháng 8 đã thu được 1.000 bình oxy loại 40 lít chuyển đến Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để nhanh chóng phân bổ về các bệnh viện nhằm phục vụ công tác điều trị, cấp cứu người bệnh nhiễm Covid-19. Hiện, “ATM oxy” đã thành lập, vận hành 23 trạm lưu trữ, cung cấp oxy cho người dân có nhu cầu hoặc cấp cứu các trường hợp F0 trong khung thời gian từ 8 đến 17 giờ hằng ngày. Thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ nghiên cứu thành lập thêm một trạm “ATM oxy” tại TP Hồ Chí Minh.
Ngày 21/8, Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội hỗ trợ 10 tấn gạo và nhu yếu phẩm tặng 1.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trên địa bàn Thủ đô. Đây là đợt hỗ trợ thứ ba do các cán bộ, chiến sĩ trẻ của lực lượng công an TP Hà Nội triển khai chỉ trong vòng một tuần.