Hướng dẫn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Thông tư này quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, gồm: tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính; công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính…

Giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm: Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán, về giá, chứng khoán, thuế, hải quan, về tài sản công, tài chính doanh nghiệp, về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Ảnh: Minh họa. Ảnh: TL.

Thông tư đã quy định rõ nguyên tắc lựa chọn, phân công người, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Theo đó, việc lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải phù hợp với đối tượng, nội dung trưng cầu giám định, đáp ứng các quy định tại Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn tại thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến giám định tư pháp.

Việc cử cán bộ, công chức là giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; việc phân công người của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định rõ về việc tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính đối với Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Bộ Tài chính được thực hiện trong từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi đến Bộ Tài chính, hoặc gửi đến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (trừ các Tổng cục và tương đương, các đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục và tương đương đóng tại địa phương): trình tự, thủ tục tiếp nhận văn bản trưng cầu giám định được thực hiện như tiếp nhận văn bản do các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Bộ Tài chính theo quy định tại Quy chế văn thư của Bộ Tài chính và Quy chế làm việc của Bộ Tài chính.

Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi đến Tổng cục hoặc tương đương: Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trưng cầu giám định tư pháp, các đơn vị căn cứ nội dung trưng cầu giám định để lựa chọn và ký văn bản cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Văn bản cử người phải gửi Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, phối hợp thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2022.

Cử cán bộ là giám định viên phải theo đúng quy định

Việc cử cán bộ, công chức là giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; việc phân công người của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/huong-dan-thuc-hien-giam-dinh-tu-phap-trong-linh-vuc-tai-chinh-108998.html