Hướng dẫn triển khai phòng chống HIV/AIDS cho công nhân, lao động khu vực phía Nam
Ngày 28/8, tại TP HCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hội thảo 'Phổ biến hướng dẫn triển khai phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động'.
Đây là hội thảo đầu tiên phổ biến Hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động (CNLĐ) các tỉnh phía Nam. Bộ tài liệu chuẩn hóa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ để các địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai các hoạt động phối hợp giữa 2 ngành và với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho CNLĐ.
Buổi hội thảo có sự chủ trì và tham dự của ông ThS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo liên đoàn lao động tại 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Trong luật phòng chống HIV đã có nêu rõ quy định về phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, căn cứ vào đó, thời gian qua Cục đã ban hành tài liệu phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ cho thấy hiệu quả chưa cao vì chỉ đưa ra văn bản mà không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên. Điều này khiến các hoạt động rất khó triển khai vì hiện nay sự phân biệt kì thị đối với người nhiễm HIV nói riêng và các hoạt động phòng chống HIV vẫn còn rất lớn và chưa nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ các bên liên quan.
Ông Võ Hoài Sơn cũng bày tỏ quan ngại: Hiện nay theo quy định của ngành y tế vẫn xếp người HIV là sức khỏe yếu, AIDS là rất yếu, những điều kiện này không đủ để lao động tại nơi làm việc. Thực tế các khu công nghiệp lớn quản lý bảo hiểm y tế theo ngành, khi người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm, thông tin rất dễ bị lộ từ hệ thống. Nếu không tuyên truyền kĩ văn bản quy phạm pháp luật thì việc xếp người nhiễm HIV/AIDS vào loại sức khỏe yếu kém cộng với việc lộ thông tin, sẽ đẩy họ ra khỏi môi trường lao động, mất đi thu nhập, khó sinh tồn trong cộng đồng.
Chính vì vậy, ông Võ Hoài Sơn hy vọng bộ tài liệu sẽ được đi vào thực tiễn cuộc sống, là cẩm nang cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vui mừng bày tỏ đánh giá cao sự phối hợp giữa hai ngành của Bộ y tế và LĐLĐVN để có hội thảo hết sức ý nghĩa về hướng dẫn phổ biến quy định cũng như triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS cho CNLĐ.
Ông Vũ Mạnh Tiêm cho biết, chỉ còn hơn 6 năm nữa, tức đến 2030 Việt Nam cam kết kết thúc HIV/AIDS tại VN. Tuy nhiên, hơn 2 năm vừa qua tình hình HIV/AIDS không lắng xuống mà có dấu hiệu tăng nhất là ở 2 nhóm: công nhân ở các khu công nghiệp và sinh viên. Hai năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và LĐLĐVN đã phối hợp tổ chức 6 hội thảo ở các địa phương, đã đi khảo sát điều kiện sống của công nhân các vùng miền để nắm rõ tình hình thực tiễn.
“Tôi đánh giá cao việc Cục phòng chống HIV/AIDS đã trăn trở tìm giải pháp tăng cường phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ, bảo vệ sức khỏe cho CNLĐ; Nhóm dự thảo tài liệu đã làm việc rất nghiêm túc từ các kết quả của 6 hội thảo và từ sự heo sát, đồng hành cùng cán bộ công đoàn, cùng đời sống công nhân để soạn thảo được bộ tài liệu hết sức hữu ích này.
Tôi hy vọng rằng, tài liệu này sẽ được tuyên truyền phổ biến rông rãi đến các cấp công đoàn giúp các cấp công đoàn nâng cao nhận thức, tuyên truyền để công nhân hiểu, nắm bắt thông tin về HIV/AIDS, đồng thời tạo được sự phối hợp hết sức trách nhiệm của doanh nghiệp và các ngành chức năng để cùng chăm lo sức khỏe cho người lao động.
Trong bộ tài liệu hướng dẫn có các nội dung như tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ; một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ; hướng dẫn tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ. Về mặt chi tiết, tài liệu hướng dẫn rõ các công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai tư vấn xét nghiệm, thành lập ban phòng, chống HIV/AIDS, các chính sách phòng, chống HIV/AIDS...
Hội thảo đã lắng nghe sự trình bày của các chuyên gia về tình hình diễn biến HIV/AIDS hiện nay tại Việt Nam, nghe các nhóm cộng đồng trình bày kinh nghiệm phòng chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp. Đồng thời, toàn thể đại biểu đã tham gia thảo luận về các thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ.