Hướng dẫn việc thực hiện BHXH đối với người bị phạt tù giam
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi bảo hiểm xã hội các địa phương về việc thực hiện tạm dừng, tiếp tục chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với người bị phạt tù giam.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, vừa qua, Bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành phố đã có báo cáo về việc tạm dừng, tiếp tục chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với trường hợp chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo (tù giam) theo bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 1/1/2016 trở đi còn có cách hiểu khác nhau nên thực hiện chưa thống nhất.
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH và TAND Tối cao. Sau đó, đã nhận được hướng dẫn tại Công văn số 79/TTr-BHXH ngày 24/1/2019 của Bộ LĐ-TB&XH và tại Công văn số 22/TANDTC-PC ngày 20/2/2019 của TAND Tối cao.
Trong công văn trả lời Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tạm dừng, tiếp tục chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người bị phạt tù giam của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, thì Khoản 1, Điều 3 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật”.
Khoản 1, Điều 62 Luật BHXH năm 2006 quy định: “Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo”. Do đó, thời điểm tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là thời điểm người đó bị kết tội theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Còn tại Công văn trả lời phúc đáp của TAND Tối cao về trường hợp người bị chấp hành hình phạt tù không được hưởng án treo mà bản án có hiệu lực pháp luật sau ngày 1/1/2016 (ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực pháp luật) nhưng bị bắt tạm giam trước ngày 1/1/2016, thì chế độ bảo hiểm xã hội của họ áp dụng theo Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 hay Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
TAND Tối cao cho rằng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 20 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì… “người đang bị dừng hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2016 thì việc giải quyết tiếp tục hưởng BHXH mới áp dụng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006”. Theo đó, những người “chưa bị dừng” hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2016 thì được áp dụng chế độ hưởng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
“Người đang bị tạm dừng” hưởng lương hưu, Bảo hiểm xã hội hằng tháng tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 được xác định là người chấp hành án. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Thi hành án hình sự thì “người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật”.
Do đó, thời điểm xác định tạm dừng hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng được xác định từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, trường hợp người bị chấp hành hình phạt tù không được hưởng án treo mà bản án, quyết định có hiệu lực sau ngày 1/1/2016 thì chế độ bảo hiểm xã hội của họ áp dụng theo Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Như vậy, theo công văn trả lời của Bộ LĐ-TB&XH và TAND Tối cao thì: "Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị phạt tù giam theo bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 1/1/2016 trở đi thì không bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Do vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các địa phương kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ ngày 1/1/2016 trở đi để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật".