Hướng dẫn viên – cầu nối du khách với điểm đến du lịch
Hướng dẫn viên (HDV) du lịch được xem là cầu nối giữa du khách với điểm đến du lịch. Vai trò nổi bật và quan trọng của đội ngũ này là giúp du khách nói chung, đặc biệt là du khách quốc tế, hiểu biết sâu hơn các giá trị văn hóa, lịch sử của mỗi địa danh. Đồng thời, thông qua hoạt động hướng dẫn, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Khách du lịch nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Di sản Thành Nhà Hồ.
Những chuyển biến
Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi thường xuyên đón tiếp các đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, đoàn ngoại giao quốc tế và khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu di sản. Chính vì lẽ đó, đội ngũ HDV tại điểm đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá di sản và tăng sức hút đối với du khách. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách tham quan, công tác chuẩn hóa đội ngũ HDV tại điểm đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) quan tâm. Theo đó, từ năm 2011, sở đã tổ chức thi tuyển HDV cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, dựa trên các tiêu chí là trình độ đại học trở lên, ngoại hình khá, sức khỏe tốt, sử dụng ngoại ngữ Anh văn thành thạo. Hiện nay, trung tâm có 7 HDV, trong đó 100% có trình độ đại học và cả 7 HDV đều sử dụng thành thạo tiếng Anh cơ bản (1 HDV thành thạo tiếng Anh chuyên ngành).
Bên cạnh khâu tuyển chọn đầu vào, trung tâm cũng chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ HDV. Trước hết là việc chuẩn hóa các nội dung hướng dẫn, thuyết minh cơ bản trong khu vực di sản, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Tiếp đến là nâng cao trình độ nghiệp vụ, thông qua việc thường xuyên tổ chức kiểm tra nghiệp vụ, củng cố kiến thức nền, truyền kinh nghiệm từ các HDV giàu kinh nghiệm cho các HDV mới. Đồng thời, tổ chức cho các HDV tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch do Sở VHTT&DL, Hiệp hội du lịch tổ chức. Song song với đó, bản thân mỗi HDV cũng luôn có ý thức tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc. Chính từ những cơ sở đó mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, hiện là một trong số ít khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có đội ngũ HDV đáp ứng cả chất và lượng.
Đội ngũ nhân lực du lịch là một nhân tố quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển ngành du lịch. Do đó, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung, trong đó có đội ngũ HDV, là vấn đề luôn được tỉnh ta quan tâm. Năm 2013, đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” đã được ngành VHTT&DL xây dựng và triển khai. Đến nay, theo thống kê của ngành, trên địa bàn tỉnh hiện có 193 HDV đang hoạt động hướng dẫn tại các doanh nghiệp lữ hành và các khu, điểm du lịch (trong đó có 15 thẻ HDV du lịch quốc tế, 136 thẻ HDV du lịch nội địa và 42 thẻ HDV du lịch tại điểm). Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện thẩm định cấp mới, cấp đổi và cấp lại 391 thẻ HDV du lịch (trong đó có 45 thẻ HDV du lịch quốc tế, 304 thẻ HDV du lịch nội địa và 42 thẻ HDV du lịch tại điểm).
Ngoài ra, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực quan trọng này, từ năm 2014-2019, ngành VHTT&DL đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ HDV du lịch (trung bình 1 lớp/năm, với khoảng 75 học viên/lớp cho đối tượng là cán bộ, nhân viên làm công tác hướng dẫn tại các doanh nghiệp lữ hành; các khu, điểm du lịch; các trung tâm văn hóa, phòng văn hóa - thông tin của các huyện, thị xã, thành phố). Thông qua các lớp bồi dưỡng này, đội ngũ HDV đã từng bước đi vào chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Cùng với đó, ngành cũng đã tổ chức cấp phát trang thiết bị phục vụ công tác thuyết minh cho các HDV tại 13 khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng, Suối cá Cẩm Lương, Sầm Sơn, Động Tiên Sơn, Đền Bà Triệu, Bảo tàng tỉnh, Động Từ Thức, Vườn Quốc gia Bến En, Pù Luông, động Kim Sơn, động Trường Lâm). Các thiết bị phục vụ công tác thuyết minh gồm có máy chiếu, màn chiếu, máy vi tính, tăng âm, loa đài, mic không dây, loa cầm tay... đã và đang góp phần nâng cao chất lượng hướng dẫn, thuyết minh tại các khu, điểm du lịch.
193 HDV đang hoạt động hướng dẫn tại các doanh nghiệp lữ hành và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được đánh giá là nhóm có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khá cao so với đội ngũ lao động du lịch nói chung. Phần đa trong số họ là những HDV trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, say mê công việc, chịu khó học hỏi, tiếp thu nhanh kiến thức mới và có ý thức vươn lên để khẳng định năng lực bản thân. Các HDV, nhất là HDV tại điểm đã và đang góp phần tạo nên hình ảnh và sắc thái riêng cho các khu, điểm du lịch. Đồng thời, mang đến cho du khách những cảm nhận phong phú, thú vị về đất và người xứ Thanh.
Còn nhiều bất cập
Mặc dù có những bước chuyển qua từng năm, song so với nhu cầu thực tế hiện nay, đội ngũ HDV trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng, tính chuyên nghiệp và cơ cấu. Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, cũng như yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Hạn chế đáng nói nhất của đội ngũ này là trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp; số lượng HDV có trình độ cao và nhiều năm kinh nghiệm trong nghề không nhiều, nên không tạo được nòng cốt để đào tạo thế hệ HDV trẻ. Khả năng giao tiếp và xử lý tình huống còn yếu; cách truyền tải thông tin và phong cách hướng dẫn chưa hấp dẫn, chưa chuyên nghiệp; nhận thức và đạo đức nghề nghiệp có lúc, có nơi chưa cao; số lượng HDV thông thạo một số ngoại ngữ như Anh, Trung, Pháp... chưa nhiều.
Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo số liệu thống kê của Sở VHTT&DL, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong số đó, mới có 2 đơn vị được ngành VHTT&DL cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và 9 đơn vị được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo quy định Luật Du lịch 2017. Điều này phần nào cho thấy quy mô và năng lực hoạt động của các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh vẫn còn yếu. Cũng vì phần đa các doanh nghiệp lữ hành là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu vào mùa cao điểm, cho nên, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ HDV. Đồng thời, chưa quan tâm đến việc đào tạo HDV hiện có và chỉ ký hợp đồng thời vụ với các HDV vào mùa cao điểm. Do đó, việc không duy trì chế độ cho HDV vào mùa thấp điểm, dẫn đến nhiều sinh viên Thanh Hóa được đào tạo chính quy chuyên ngành du lịch, có trình độ chuyên môn giỏi, thường tìm kiếm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh... thay vì về địa phương.
Cùng với môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp, thì đặc thù nghề nghiệp cũng là một nguyên nhân khiến nhiều HDV, nhất là HDV nữ khó gắn bó lâu dài với nghề. Khi làm việc trong các doanh nghiệp lữ hành, các HDV thường xuyên phải đi công tác xa nhà, đòi hỏi sức khỏe tốt, thu nhập thường không ổn định, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách, môi trường làm việc khắc nghiệt... Còn tại các khu, điểm du lịch thì chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ HDV cũng chưa thật thỏa đáng, nên khó thu hút các HDV giỏi về công tác, gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, công tác đào tạo HDV hiện vẫn còn nhiều bất cập. Tại các trường đào tạo du lịch, phần lớn chuyên ngành nghiệp vụ hướng dẫn được đào tạo lồng ghép trong các khoa Việt Nam học, Văn hóa du lịch, Du lịch học. Do thiếu giáo trình chuẩn, thiếu giáo viên đúng chuyên ngành, nên chất lượng đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn chưa cao; đào tạo lý thuyết chưa thực sự gắn với thực hành, khiến nhiều học viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Phần đa phải đào tạo lại hoặc không bám trụ được với nghề hướng dẫn, buộc phải chuyển sang làm công việc khác với chuyên ngành được đào tạo.
Thực trạng đội ngũ HDV du lịch hiện nay, đang đặt ra yêu cầu về lộ trình và giải pháp toàn diện, nhằm nâng cao cả chất, lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ nhân lực quan trọng này. Đồng thời, kêu gọi sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở đào tạo và đặc biệt là sự nỗ lực tự hoàn thiện trình độ của chính các HDV.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên