Hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động
Tham gia thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), về nội dung hưởng BHXH một lần, ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) lựa chọn Phương án 1 để bảo đảm an sinh tuổi già cho người lao động; đồng thời, đề nghị cần có định hướng truyền thông hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động...
Cụ thể, về hưởng BHXH một lần (điểm đ, khoản 1, Điều 74), đại biểu lựa chọn Phương án 1 để bảo đảm an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề nghị cần có định hướng truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Đề nghị nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.
Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu ý kiến
Đại biểu đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn việc xác định thời hạn 12 tháng không tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần trong trường hợp cơ quan BHXH đã ban hành quyết định hưởng, sau đó người lao động mới giao kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cả tháng đó để xác định rõ ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm điều kiện hưởng 12 tháng không tham gia BHXH khi hưởng BHXH một lần.
Điều 41: Cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “do cưỡng chế về quản lý thuế” do còn có cơ quan khác như cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người sử dụng lao động vi phạm pháp luật. Bỏ đối tượng doanh nghiệp “đang làm thủ tục giải thể”, vì theo khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài....".
Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại; khởi kiện đối với quyết định, hành vi về BHXH của cơ quan BHXH (Điều 131), đại biểu đề nghị tiếp tục kế thừa quy định về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH tại khoản 2, khoản 3 Điều 119 Luật BHXH năm 2014 đối với những vụ việc liên quan đến việc tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH trước năm 1995, tức là giao cơ quan quản lý nhà nước về lao động (UBND các cấp) giải quyết khiếu nại lần 2. Vì như vậy sẽ thống nhất với quy định về trách nhiệm của UBND các cấp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139 dự thảo.
Theo đại biểu, nếu giao thẩm quyền cho BHXH Việt Nam giải quyết khiếu nại lần 2 đối với vụ việc Giám đốc BHXH cấp tỉnh đã giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Vì BHXH Việt Nam không quản lý các cơ quan, ban, ngành ở địa phương nên sẽ khó khăn trong việc phối hợp giải quyết khiếu nại. Đặc biệt là trong trường hợp có sai sót của người sử dụng lao động, của cơ quan, ban, ngành liên quan ở địa phương thì cơ quan BHXH không có đủ thẩm quyền để kết luận, giải quyết.
Về nội dung khoản 2, Điều 132, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trên cơ sở tham mưu của cơ quan BHXH cấp tỉnh”. Vì trên thực tế, tùy tính chất, nội dung của từng vụ việc, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là UBND cấp tỉnh có thể căn cứ nguyên nhân phát sinh vụ việc (như: tiền lương, chức danh nghề, năm sinh, thời gian công tác, khen thưởng, kỷ luật...) và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị chuyên môn giúp việc, cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương để giao chủ trì tham mưu, đề xuất. Đồng thời, bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong giải quyết tố cáo.