Hướng đến một khu kinh tế cửa khẩu An Giang năng động hiệu quả

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình số 74/TTr-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030.

Trên cơ sở nội dung thẩm định đồ án và nhận được đủ ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, các hội nghề nghiệp, ngày 21/10/2014 tại Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ đã chủ trì Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030. Ngày 30/10/2014, Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 308/TB-BXD về thông báo kết luận của lãnh đạo Bộ Xây dựng tại Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030.

Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang có tổng diện tích tự nhiên là 30.729,8ha; bao gồm 03 khu vực cửa khẩu: Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên. Dự báo quy mô dân số đến năm 2020 của toàn KKT đạt khoảng 310.000 - 320.000 người; dân số đô thị khoảng 160.000 người. Đến năm 2030, quy mô dân số đạt khoảng 340.000 - 350.000 người; dân số đô thị khoảng 174.000 người.

Với tính chất là KKT cửa khẩu tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế; đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia, KKT cửa khẩu An Giang là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế, phát triển đô thị của vùng biên giới phía Tây Bắc, tỉnh An Giang, có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển của KKT là gắn kết đồng bộ các khu vực cửa khẩu và các khu chức năng trong KKTCK An Giang; liên kết chặt chẽ với các khu kinh tế cửa khẩu khác trong vùng biên giới Tây Nam. Cân đối giữa phát triển đô thị, công nghiệp với bảo vệ khu vực sản xuất nông nghiệp; xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường toàn KKTCK An Giang bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đồng thời, hình thành khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu và khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình; đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư; phát triển chuỗi đô thị trong KKT, bao gồm các đô thị: Tân Châu, Tịnh Biên, Nhà Bàng. Hình thành trung tâm du lịch sinh thái KKT cửa khẩu An Giang có sức hấp dẫn, liên kết với hệ thống trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển kinh tế biên giới.

Đặc biệt, cấu trúc không gian KKTCK An Giang hình thành theo mô hình từng khu vực cửa khẩu, bao gồm: Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, khu vực cửa khẩu Khánh Bình và khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, liên kết với nhau thông qua các tuyến QLN1, QL91, QL91C, tuyến Khánh Bình - Chợ Mới - Vàm Cống. . .

Theo quy hoạch phân vùng phát triển, KKT cửa khẩu sẽ bao gồm vùng đô thị liên kết với nhau qua trục Quốc lộ N1, Quốc lộ 91C, Quốc lộ 80B… Vùng phát triển công nghiệp nằm trong vùng phát triển đô thị và khu phi thuế quan của 2 cửa khẩu quốc tế đường bộ Tịnh Biên, cửa khẩu quốc tế đường thủy Vĩnh Xương và cửa khẩu chính Khánh Bình.

Vùng dân cư nông thôn bao gồm khu vực ngoại thị của thị xã Tân Châu, Tịnh Biên, các thị tứ, trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn được phân bố theo các tuyến giao thông bộ và thủy.

Vùng phát triển nông nghiệp chủ yếu tại các xã thuộc huyện Tịnh Biên và thị xã Tân Châu. Vùng cảnh quan bao gồm các vành đai xanh bao quanh đô thị, các tuyến cây xanh cảnh quan dọc theo 2 sông Tiền và sông Hậu…

Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020 bao gồm: Công trình kiến trúc (Quốc môn, trạm kiểm soát liên hợp và bãi hàng hóa phục vụ kiểm soát tại các cửa khẩu; khu dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí Vĩnh Xương; từng bước kêu gọi đầu tư khu phi thuế quan tại các cửa khẩu; khu hành chính, khu tái định cư và chợ Vĩnh Xương; mở rộng, nâng cấp khu bảo thuế Tịnh Biên). Các công trình hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp Quốc lộ 91C đoạn từ đường Khánh Bình – Chợ Mới – Vàm Cống nối vào cửa khẩu Vĩnh Xương; đường tuần tra biên giới qua các khu vực cửa khẩu; tuyến đường bộ qua cửa khẩu Vĩnh Xương; nâng cấp nạo vét kênh Vĩnh Tế đoạn qua khu vực cửa khẩu Tịnh Biên; xây dựng bến cảng Tân Châu, Khánh Bình, bến tàu Vĩnh Xương trên sông Tiền, bến tàu phía Bắc cầu Hữu Nghị trên kênh Vĩnh Tế…).

Nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, các chuyên gia trong Hội đồng thẩm định cho rằng: Quá trình triển khai theo quy hoạch cần đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc dành nhiều diện tích cho cây xanh và mặt nước giúp tăng khả năng thoát nước của các khu vực đô thị, nông thôn và các khu vực chức năng khác trong KKT, đồng thời tăng cường khả năng điều hòa vi khí hậu. Nghiên cứu phát triển hệ thống cây xanh có khả năng chịu môi trường chua phèn mặn khu vực bên ngoài đê bao để bảo vệ, nâng cao tuổi thọ công trình, cơ sở hạ tầng sẽ được xây dựng.

Bên cạnh đó, các vùng nông nghiệp cần xem xét triển khai các biện pháp khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi giống thích ứng cao với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Với vị trí là khu vực thượng nguồn của tỉnh An Giang, KKT An Giang sẽ phải có quy chế kiểm soát bắt buộc đối với các KCN, khu đô thị về việc xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quy định…

Linh Đan

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/huong-den-mot-khu-kinh-te-cua-khau-an-giang-nang-dong-hieu-qua.html