Hướng đến phát triển đô thị thông minh bền vững
Phát triển đô thị thông minh về bản chất là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn bao gồm: giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị... Để đạt được mục tiêu đề ra, các đô thị trên địa bàn tỉnh đang nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng đồng bộ, tiến tới cơ bản hoàn chỉnh; áp dụng hiệu quả công nghệ số trong việc điều hành quản lý đô thị, phấn đấu nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng đô thị văn minh bền vững.
Mục tiêu đặt ra của các địa phương là xây dựng đô thị thông minh đồng bộ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội mang lại nhiều tiện ích nhất cho người dân. Đây là việc làm đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn về mọi mặt. Do đó để có thể thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh cần phát huy tối đa tiềm năng của đô thị. Trước hết, trong công tác quản lý, chính quyền đô thị có đủ năng lực, khả năng quản lý toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực chuyên môn phù hợp với tình hình mới; chính quyền thường xuyên đổi mới phương pháp quản lý, điều hành, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng, quản lý đô thị có hiệu quả. Ngoài các giải pháp trên, các đô thị còn tập trung áp dụng hiệu quả công nghệ số trong việc điều hành, quản lý đô thị, phấn đấu nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm xây dựng thành phố, thị xã thông minh bền vững. Chính quyền thường xuyên vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng tổ phố, đơn vị, cơ quan, gia đình văn hóa, xây dựng người thành phố văn minh, thanh lịch.
Tại thành phố Phủ Lý trong giai đoạn 2020 - 2025, tập trung nâng cấp, cải tạo đô thị có hệ thống hạ tầng đồng bộ; phấn đấu từng bước lắp hệ thống đèn tín hiệu hoạt động dựa trên mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường, bảo đảm điều chỉnh cho phù hợp, chống ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hiện tại thành phố Phủ Lý đã lắp đặt hơn 70 camera an ninh, giao thông tại các ngã ba, ngã tư có mật độ giao thông lớn, các tuyến đường cần có sự giám sát về an ninh trật tự, kết nối về trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý. Thông qua việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý đô thị, giám sát an ninh bằng hệ thống camera, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đô thị.
Ông Hoàng Cao Liêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cho biết: Thực hiện định hướng phát triển đô thị thông minh của thành phố Phủ Lý theo hướng đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Hà Nam, thời gian qua, thành phố Phủ Lý đã quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm xây dựng khu đô thị mới kết nối với khu đô thị cũ được hài hòa, từng bước hình thành các khu dịch vụ, thương mại, khu vui chơi giải trí; lắp đặt các thiết bị công nghệ để quản lý trật tự đô thị; tích cực chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, thành phố đã thực hiện hiệu quả việc quản lý trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường Biên Hòa, đường Lê Duẩn và một số tuyến đường khác thông qua hệ thống camera giám sát và hướng tới tiếp tục lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng tự động trên một số tuyến đường. Về giải pháp lâu dài, thành phố Phủ Lý xây dựng đô thị thông minh dựa trên công nghệ thông tin để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền thành phố, doanh nghiệp và người dân.
Với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững, hướng tới xây dựng Khu công nghệ cao tại huyện Lý Nhân và phát triển Khu đô thị thông minh ở Lý Nhân, UBND tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao; ưu tiên công nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ mới hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, vừa qua UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND) trong việc hỗ trợ thu hút đầu tư và phát triển đô thị. KIND là cơ quan đại diện cho Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, chuyên trách thúc đẩy các dự án hợp tác công tư (PPP) tại nước ngoài. KIND tham gia đầu tư vào hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, điện lực và năng lượng, hóa dầu, môi trường
. Tại Việt Nam, KIND đã đầu tư phát triển Khu công nghiệp hợp tác kinh tế Việt- Hàn tại Hưng Yên theo hình thức thiết lập khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với thời gian vận hành 50 năm. Hiện nay, KIND đang được Chính phủ Hàn Quốc cho phép đầu tư ở 24 quốc gia trên thế giới với tổng nguồn vốn được phê duyệt khoảng 700 triệu USD, trong đó vốn đã thực hiện 300 triệu USD.
Tại lễ ký kết, ngài Lee Kang Hoon, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành KIND cho biết: Việt Nam - Hàn Quốc đã hợp tác công tư phát triển hạ tầng giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, cầu cảng giúp kết nối, tận dụng năng lực kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm của doanh nghiệp; đầu tư phát triển các công trình đô thị giúp gia tăng giá trị cho các khu đô thị mới. Để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa KIND và tỉnh Hà Nam, KIND sẽ quan tâm nghiên cứu dự án công nghệ cao, đô thị thông minh tại tỉnh Hà Nam. Trong thời gian tới, KIND sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong hỗ trợ thu hút đầu tư và phát triển đô thị thông minh.
Theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, phát triển đô thị thông minh là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị... Để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị. Với các địa phương, phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.