Hướng đến sản xuất cà phê bền vững
Trước những biến động liên tục về giá của thị trường, người nông dân và doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần tập trung tái canh giống cây cà phê và nghiên cứu cải thiện chất lượng, đi vào chế biến sâu; đồng thời, tuân thủ các quy định mới như Quy định về Chống Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).

Giá cà phê hiện đang giảm sâu khoảng 30% so với lúc lập đỉnh
Giá cà phê giảm sâu
Sau một thời gian dài liên tục tăng giá mạnh, có thời điểm giá cà phê nhân tiệm cận 140.000 đồng/kg thì 2 tháng nay, giá cà phê bỗng nhiên lao dốc khá nhanh chỉ còn trên 95.000 đồng/kg. Giá cà phê tăng cao trong thời gian qua đã thúc đẩy nhiều nông dân thực hiện chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng khiến diện tích cà phê tại nhiều địa phương trong tỉnh tăng mạnh.
Hiện, giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, được ghi nhận ở mức từ 92.000 - 94,500 đồng/kg, tương đương giảm khoảng 30% so với thời điểm cao nhất thị trường ghi nhận được.
Nguyên nhân giá cà phê giảm như hiện nay là do thị trường cà phê thế giới tiếp tục bị chi phối bởi áp lực nguồn cung gia tăng và tâm lý lo ngại về căng thẳng thương mại. Nguồn cung từ các nhà sản xuất chính như Brazil và Việt Nam dự báo dồi dào hơn, trong khi lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế cao lên hàng nhập khẩu càng khiến tâm lý thị trường tiêu cực.
Ông Đoàn Mạnh Trình - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình
Tuy nhiên, với cà phê Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhận định mức thuế xuất khẩu vào Mỹ hiện tại vẫn được giữ ở mức 0%, chưa có thay đổi chính thức. Dù vậy, tình trạng xuất khẩu gặp khó vẫn hiện hữu khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đang chững lại, cùng với cạnh tranh gay gắt từ Brazil, Colombia và các quốc gia khác.
Trong nước, giá cà phê giảm sâu phần lớn do chịu tác động từ đà giảm mạnh của hai sàn thế giới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã cà phê đang đứng trước áp lực lớn, buộc phải tính toán lại chi phí sản xuất và mở rộng thêm các thị trường mới để giảm phụ thuộc.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhiều nhà cung cấp, rang xay cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp với các đối tác từ thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Do đó, trong bối cảnh giá cà phê giảm khá mạnh như hiện nay sẽ chưa tác động ngay đến doanh nghiệp và người dân mà sẽ ảnh hưởng ở niên vụ cà phê sắp tới.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, nông dân cần tuân thủ việc hái trái chín đạt tỷ lệ trên 90%
Không ngừng nâng cao chất lượng cà phê
Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng mới có trên 316.000 ha chuyên canh cà phê với tổng sản lượng ước chừng 928.000 tấn. Trong đó, diện tích cà phê chủ yếu tập trung ở các tỉnh Lâm Đồng (cũ) với diện tích 176.000 ha, sản lượng hơn 572.000 tấn; tỉnh Đắk Nông (cũ) với khoảng 140.000 ha, sản lượng ước đạt trên 356.000 tấn.

Người dân và doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cà phê từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến
Theo ông Đoàn Mạnh Trình - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất nông sản (trong đó có cây cà phê) quy mô lớn, tập trung. Nhiều nơi sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều, chưa chú trọng việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Cùng với đó, việc triển khai đồng bộ những tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến, xuất khẩu còn gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, việc quan trọng nhất cần triển khai của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn là phải tập trung tái canh, cải thiện chất lượng, quy hoạch lại vùng trồng cà phê để loại nông sản chủ lực này có hướng phát triển bền vững trong tương lai gần.

Các doanh nghiệp cà phê tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm cà phê tỉnh Lâm Đồng
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Song Vũ – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ tại xã Xuân Trường – Đà Lạt cũng cho rằng, để sản xuất bền vững cây cà phê trong giai đoạn hiện nay, người nông dân cần tập trung làm tốt việc tái canh, cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích cà phê hiện có; trong đó, hướng đi canh tác hữu cơ đã và đang là xu thế tất yếu hiện nay.
Đại diện chủ thương hiệu Min Mountain Coffee tại xã Xuân Trường – Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Hoàng Yên cũng chia sẻ, việc thu hái cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Theo đó, nông dân cần tuân thủ việc hái trái chín đạt tỷ lệ trên 90%, hoặc thực hiện hái tỉa, trái cà phê chín tới đâu hái tới đó chứ không thu hoạch ồ ạt cả trái chín, trái xanh cùng lúc.
Sản phẩm được làm từ cà phê thu đúng độ chín sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, có hương vị thơm ngon. Thành phần vị chua và vị chát trong sản phẩm được giảm xuống mức thấp nhất. Cùng với đó là người sản xuất được hưởng lợi khi trọng lượng cà phê tươi cao hơn, giá cũng tốt hơn so với cà phê chưa đủ độ chín.
Mặt khác, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tiếp tục duy trì và nâng cao thương hiệu cà phê của tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường tăng cường hướng dẫn người dân sản xuất cà phê thực hiện tốt theo các khuyến cáo; đồng thời, tuân thủ thực hiện nghiêm các Quy định về Chống Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/huong-den-san-xuat-ca-phe-ben-vung-382273.html