Hướng đến sự chuẩn mực trong hoạt động du lịch
Trong rất nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch, các giảng viên đều dành thời lượng đáng kể đề cập đến cách ứng xử của cộng đồng dân cư trong việc thu hút, giữ chân du khách. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đã giúp định hướng hành vi, thái độ, cách ứng xử trong các hoạt động du lịch.
Nhiều năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cùng các địa phương đã chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch. Trong đó, truyền tải nhiều nội dung về quy tắc ứng xử văn minh với khách du lịch. Đối tượng tập huấn là các nhân viên, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như: Nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, homestay…; các đơn vị, công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Là một trong những giảng viên thường xuyên giảng dạy tại các lớp tập huấn tại Tuyên Quang, giảng viên
Bùi Huyền Thanh, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nói, Tuyên Quang là địa phương đã có nhiều cách làm quyết liệt để phát triển du lịch. Trong đó có những lợi thế từ sự đầu tư phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, cộng đồng… Với tiềm năng như thế thì việc xây dựng hình ảnh tạo nét đẹp trong văn hóa ứng xử phục vụ du lịch là vô cùng quan trọng.
Giảng viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội hướng dẫn cho đại diện các cơ sở kinh doanh du lịchtrên địa bàn tỉnh kỹ năng phục vụ chuẩn mực, chuyên nghiệp, văn minh.
Tại các lớp tập huấn, bên cạnh việc học lý thuyết về Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, các học viên được trải nghiệm các tình huống cụ thể giảng viên đưa ra. Chị Trần Trang Huyền, Chủ nhà hàng Trang Huyền, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, những nội dung quy định trong Bộ Quy tắc mang tính chuẩn mực chung hướng tới sự văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp. Chính vì vậy, chị đã triển khai và yêu cầu nhân viên nhà hàng phải thực hiện nghiêm túc. Từ đó, tạo sự thân thiện đối với du khách.
Chị Dương Thị Hải, nhân viên nhà hàng Biển Rừng, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chia sẻ, trong tháng 9 vừa qua chị được tham gia lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch nhà hàng, khách sạn do Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức. Trong thời gian 2 ngày, chị đã học được hướng dẫn cụ thể Quy tắc ứng xử văn minh, kỹ năng giao tiếp và thực hành xử lý tình huống tại nhà hàng, khách sạn... Đây là những kiến thức rất bổ ích, giúp chị và các nhân viên của nhà hàng có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để phục vụ khách chuẩn mực, chuyên nghiệp hơn.
Trên thực tế, bên cạnh nỗ lực xây dựng du lịch phát triển một cách chuyên nghiệp thì đâu đó vẫn còn những thói quen ứng xử thiếu văn minh, lịch sự, thân thiện. Điển hình như: Chặt chém nâng giá trong mùa lễ hội, ăn xin tại cổng chùa, bán hàng kém chất lượng cho khách du lịch… Để ngăn chặn tình trạng làm du lịch một cách “chụp giật”, hàng năm, bên cạnh công tác tuyên truyền, Phòng Thanh tra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như: Nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: “Để tránh tình trạng chặt chém trong mùa du lịch, Sở tăng cường chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá công khai. Đồng thời, tích cực đi thực tế kiểm tra, tránh tình trạng chèo kéo du khách tại các điểm du lịch. Đối với những cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm chúng tôi xử lý nghiêm khắc theo quy định”.
Việc thực hiện tốt những quy tắc ứng xử văn minh du lịch góp phần đáng kể vào phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách, thể hiện môi trường du lịch chuyên nghiệp, hiện đại.