Hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Xác định 'Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa một cách toàn diện để thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số' là khâu đột phá để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024. Ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã tập trung khắc phục khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Tại bộ phận một cửa phường Ba Đình (TP Thanh Hóa), các thủ tục hành chính được cập nhật, niêm yết, công khai, minh bạch; người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch tùy theo từng loại hồ sơ sẽ được cán bộ, công chức hướng dẫn cụ thể về quy trình, các bước triển khai, để có thể dễ dàng thực hiện cả hai phương thức trực tiếp và trực tuyến...
Để đẩy mạnh CĐS, phường Ba Đình đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Bác Lê Hữu Hòa, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, chia sẻ: Trước khi đi làm thủ tục hành chính, tôi khá lo lắng vì sợ phiền hà, mất thời gian. Tuy nhiên, đến bộ phận “Một cửa” phường, được cán bộ hướng dẫn các thao tác tự thực hiện trên điện thoại để lần sau không cần đến trực tiếp vẫn có thể tự làm tại nhà được. Tôi thấy rất hài lòng vì phương thức mới giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí...
Quyết liệt triển khai CĐS đến từng thôn và các tổ công nghệ số cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân sử dụng các ứng dụng, công nghệ thiết thực, phục vụ đời sống... nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính, xã Nga Thái (Nga Sơn) đang tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí CĐS.
“Trong quá trình thực hiện các tiêu chí CĐS, xã Nga Thái còn gặp một số khó khăn trong việc vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, hợp đồng điện tử, vận động người dân cài đặt và sử dụng chữ ký số... Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức xã; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, các phần mềm, ứng dụng trong công tác hành chính Nhà nước; đầu tư, nâng cấp hệ thống máy vi tính, đường truyền mạng phục vụ công việc... khó khăn, vướng mắc ở đâu sẽ tập trung tháo gỡ ở đó để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn" - bà Mai Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thái chia sẻ.
Không chỉ các địa phương, hiện nay, các sở, ngành trong tỉnh cũng đang nỗ lực xây dựng, kiến tạo các nền tảng công nghệ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tinh giản các quy trình, thủ tục nhằm giảm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp.
Điển hình như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai dự án: Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, phát triển nông nghiệp và nông thôn nhằm mục tiêu tăng cường ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động quản lý điều hành của đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo lập dữ liệu mở; ứng dụng hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng; ứng dụng thiết bị, kỹ thuật hiện đại để theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm cháy rừng; quản lý chặt chẽ giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng, chăm sóc rừng, phát triển cơ giới hóa trong làm đất và khai thác rừng; ứng dụng công nghệ và thiết bị giám sát đa dạng sinh học bằng phần mềm Smart; phần mềm MapInfo và phần mềm Global Mapper 12, chuyển bản đồ các khu bảo tồn lên máy định vị GPSmap62 và GPSmap78S phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm tra, lập tuyến tuần tra cố định trong rừng đặc dụng; sử dụng có hiệu quả công nghệ GPSPhoto Link quản lý cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn; áp dụng và cập nhật phần mềm V-Tool qua app điện thoại giúp quản lý và cập nhật diễn biến rừng đến các trạm quản lý bảo vệ rừng trực thuộc phục vụ công tác bảo vệ rừng, nắm bắt kịp thời diễn biến rừng và địa phận ranh giới giáp ranh với các chủ rừng khác...
Ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng đang đẩy mạnh triển khai áp dụng hiệu quả các phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và điều hành, như: Phần mềm quản lý kho điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường; hệ thống thông tin đất đai, khoáng sản của các tổ chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; ứng dụng công nghệ WebGIS xây dựng Atlas điện tử tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa; cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tỉnh Thanh Hóa; cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển tỉnh Thanh Hóa; cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và an toàn sinh học tỉnh Thanh Hóa; vận hành, quản trị hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục tại trung tâm điều hành bao gồm: 94 trạm quan trắc môi trường, khai thác nước ngầm của 18 doanh nghiệp và 3 trạm quan trắc môi trường do Nhà nước đầu tư; cung cấp địa chỉ, hướng dẫn các doanh nghiệp kết nối, truyền số liệu quan trắc môi trường về trung tâm điều hành; quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, tài nguyên biển, đa dạng sinh học, hệ thống quan trắc môi trường; duy trì kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 4/27 huyện, thị xã, thành phố (với 92/559 xã, thị trấn, đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính)...
Ngành giao thông - vận tải đang áp dụng phần mềm quản lý cầu; phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông; phần mềm quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (hệ thống Govone) trong công tác duy tu bảo dưỡng công trình đường bộ; hệ thống giám sát hành trình trong công tác quản lý vận tải bằng xe ô tô; phần mềm quản lý bến xe khách; lắp đặt camera giám sát trên các ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container; các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện giám sát bằng hệ thống camera bao gồm cả phòng học lý thuyết và sân thực hành... giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước của ngành trên địa bàn tỉnh...
Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả công tác CĐS, các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn và chủ động tiếp cận, khai thác ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như giao dịch hành chính với chính quyền các cấp nhằm phát huy tối đa hiệu quả hoạt động CĐS, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân là nền tảng để Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS. Đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.