Hướng đến tấm vé trực tiếp dự Olympic
Đến lúc này, thể thao Việt Nam đã có 17 vé dự Olympic Tokyo 2020, bao gồm cả những tấm vé trực tiếp và vé đặc cách. Được tham dự Olympic dù ở diện nào cũng mang đến những kỷ niệm đặc biệt với người trong cuộc, nhưng xét về nhiều mặt, việc giành vé trực tiếp vẫn là mục tiêu cao nhất trong hành trình hướng tới Olympic của thể thao Việt Nam.
Vận động viên Quách Thị Lan đại diện điền kinh Việt Nam nhận vé đặc cách tham dự Olympic Tokyo. Ảnh: Quý Lượng
Đường chính, đường vòng
Ngành Thể thao đặt mục tiêu giành 20 vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020. Đáng chú ý, trong kế hoạch đặt ra, ngành Thể thao không đề cập đến việc giành vé theo diện đặc cách - vốn dành cho những nước không giành được vé trực tiếp.
Đương nhiên, tấm vé trực tiếp tham dự Olympic vẫn danh giá hơn rất nhiều so với tấm vé đặc cách, như Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn từng chia sẻ: “Tấm vé trực tiếp dự Olympic Tokyo cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của các môn thể thao cũng như cả nền thể thao. Đó là sự đo đếm khá chính xác thực lực của nền thể thao đó”.
Không phải ngẫu nhiên khi thể thao Việt Nam vẫn luôn đặt mục tiêu đi cửa chính - giành càng nhiều vé tham dự Olympic càng tốt, bên cạnh mục tiêu giành huy chương.
Ở kỳ Olympic trước tại Brazil, thể thao Việt Nam đã thành công ở cả mục tiêu giành vé tham dự cũng như mục tiêu giành huy chương. Việc giành 22 suất vé trực tiếp tham dự, trong đó có các môn cơ bản như điền kinh, bắn súng, bơi, cùng với việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB đã tạo nên thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự Olympic của thể thao Việt Nam.
Cứ ngỡ thành tích trên sẽ tạo động lực và giúp thể thao Việt Nam duy trì thành tích giành vé tham dự Olympic, nhất là ở những môn như điền kinh, bắn súng..., nhưng đến trước kỳ Olympic Tokyo, cả điền kinh và bắn súng đều không giành được vé trực tiếp. Đặc biệt, đội tuyển bắn súng dù đã dự hầu hết các giải đấu tích điểm để xét vé hay giải đấu để tranh vé dự Olympic Tokyo 2020 nhưng đều không đạt mục tiêu. Ngay cả nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh cũng không thể hoàn thành mục tiêu, thậm chí anh đã không dự Cúp Bắn súng thế giới vào tháng 3 vừa qua tại Ấn Độ sau khi không còn cơ hội tranh vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020.
Trong khi đó, điền kinh Việt Nam phần nào có thể lý giải lý do không thể giành vé trực tiếp dự Olympic Tokyo là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các tuyển thủ không thể dự nhiều giải đấu nhằm tích điểm để xét vé tham dự. Trong số này, đội tuyển 400m hỗn hợp - được kỳ vọng giành vé dự Olympic Tokyo, đã không thể dự Giải Điền kinh vô địch thế giới các nội dung hỗn hợp tại Ba Lan vào đầu tháng 5-2021. Tuy vậy, kể cả khi có dự giải đấu này thì đội tuyển Việt Nam chưa chắc hoàn thành mục tiêu tích điểm để lọt vào nhóm 16 đội mạnh nhất thế giới, qua đó giành vé dự Olympic Tokyo. Bởi thế, điền kinh Việt Nam chỉ có thể nhận vé tham dự Olympic Tokyo theo diện đặc cách.
Như vậy, trong 17 suất tham dự Olympic Tokyo của thể thao Việt Nam, có 3 suất tham dự theo diện đặc cách ở các môn điền kinh, bắn súng, bơi.
Mục tiêu là giành vé trực tiếp
Trong 3 môn thể thao có VĐV tham dự Olympic tới đây theo diện đặc cách, trường hợp của điền kinh, bắn súng là đáng suy nghĩ hơn cả. Hoàng Xuân Vinh là nhà vô địch Olympic 2016, và khi xạ thủ này phải tham dự Olympic Tokyo theo diện đặc cách thì đó có thể xem là bước lùi của bắn súng Việt Nam.
Tương tự, điền kinh Việt Nam đang sở hữu dàn VĐV có thể "làm mưa làm gió" ở Đông Nam Á nhưng lại chông chênh thấy rõ trong hành trình giành vé dự Olympic Tokyo. Thành tích tốt nhất của nhiều VĐV hàng đầu Việt Nam đều cách xa chuẩn A dự Olympic. Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia, Philippines đều có suất chính thức tham dự Olympic Tokyo...
Thế nên ngay từ lúc này, thể thao Việt Nam cần có chiến lược giành vé trực tiếp tham dự Olympic cho các môn thể thao thành tích cao, đặc biệt là những môn cơ bản như điền kinh, bắn súng. Ông Dương Đức Thủy, phụ trách bộ môn Điền kinh (Tổng cục TDTT) cho rằng, chúng ta cần đầu tư mạnh tay hơn cho các VĐV trọng điểm với sự chung tay của cơ quan quản lý thể thao thành tích cao cũng như Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Còn ông Nguyễn Tấn Nam, Trưởng bộ môn Bắn súng (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) lại nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác. Theo ông, điều cần thiết là giải quyết vấn đề thiếu đạn tập luyện và thi đấu của VĐV từ đội tuyển quốc gia đến các câu lạc bộ. Có làm được điều đó thì mới giúp VĐV bắn súng có cảm hứng tập luyện và nâng cao thành tích.
Tấm vé dự Olympic vẫn luôn có giá trị to lớn với mỗi nền thể thao nói chung và với các HLV, VĐV nói riêng. Sẽ là lý tưởng với thể thao Việt Nam nếu sau Olympic Tokyo, các VĐV của chúng ta sẽ tham dự Olympic tiếp theo không phải với tấm vé đặc cách mà là vé trực tiếp.