Hướng đến Thành phố sáng tạo - TP HCM cần đầu tư nguồn lực văn hóa bền vững
Sáng 14-11, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM và Trường Đại học Văn hóa TP HCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của TP HCM.
Đến tham dự có các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn gồm: ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM; ông Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Hiệu trưởng, Trường Đại học Văn hóa TP HCM; ông Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Văn hóa TP HCM; bà Trần Thị Ngọc Hân, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc trung tâm phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần phim Giải Phóng…
"Thành phố sáng tạo" là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Hiện nay, "Thành phố sáng tạo" được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã hội.
Nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, giới chuyên môn của nhiều lãnh vực thuộc 9 hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM đã tham dự.
Hội thảo có 29 tham luận được đưa vào kỷ yếu và phân thành 3 nhóm chính, cụ thể: Chủ đề 1. Lợi thế và thách thức của văn hóa TP HCM trong phát triển "Thành phố sáng tạo" có 9 bài tham luận; Chủ đề 2. Các nguồn lực văn hóa TP HCM để xây dựng và phát triển "Thành phố sáng tạo", có 15 bài tham luận và Chủ đề 3. Những giải pháp để phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển "Thành phố sáng tạo" có hiệu quả trong thời gian tới, có 5 bài tham luận.
Các tham luận đã thể hiện sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau đối với chủ đề Hội thảo. Nhiều ý kiến phát biểu đã tạo không khí sôi nổi, tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ ba nội dung cơ bản sau: Thành phố sáng tạo và lĩnh vực sáng tạo; TP HCM có lợi thế, tiềm năng, nguồn lực trong lĩnh vực sáng tạo nào và Những giải pháp để TP HCM phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và phát triển "Thành phố sáng tạo".
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM - cho rằng TP HCM có truyền thống văn hóa lâu đời, là nền tảng cho sự hình thành tiểu vùng văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Thêm vào đó, thành phố là điểm giao thoa của nhiều vùng văn hóa trong nước, cùng với đó là sự hội nhập sâu - rộng với văn hóa quốc tế đã tạo nên một hệ thống di sản văn hóa phong phú, độc đáo của riêng Sài Gòn với những giá trị cốt lõi như lối sống cởi mở, tinh thần kinh doanh, sáng tạo.
"Những giá trị văn hóa độc đáo ấy chính là nguồn lực nội sinh quan trọng của TP HCM. Khai thác và phát huy những giá trị văn hóa này sẽ là chiến lược đúng đắn để Thành phố phát triển bền vững, nâng tầm vị thế và khẳng định bản sắc riêng.
Việc khai thác các nguồn lực văn hóa của TP HCM hướng đến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO là cơ hội để nâng cao vị thế của TP HCM trên trường quốc tế, khẳng định bản sắc và thương hiệu của một thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước" - ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM - nhấn mạnh.
Các ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng, thông qua mạng lưới sáng tạo, TP HCM sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo khác, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, việc gia nhập mạng lưới sẽ mở ra cơ hội hợp tác và giao lưu quốc tế cho TP HCM trong lĩnh vực sáng tạo và văn hóa.
TP HCM cũng có cơ hội tiếp cận các xu hướng và mô hình quản lý tiên tiến để vận dụng. Đây cũng là cú hích thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp văn hóa và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực sáng tạo.
Các tham luận được chọn trình bày tại hội thảo nhận được sự quan tâm của số đông các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn gồm: "Tổng quan về Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO" (bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam); "Xây dựng TP sáng tạo - Tiếp cận từ công nghiệp văn hóa và văn hóa sáng tạo ở TP HCM" (ông Phạm Văn Luân - Giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP HCM); "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong xây dựng TP sáng tạo" (bà Nguyễn Thị Hương - Nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM)…
Ngoài ra, còn có các ý kiến rất thực tế của bà Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển; ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phim Giải Phóng; bà Đỗ Thị Tuyết Mai - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam ... đã mang đến cho hội thảo nhiều góc nhìn đa dạng thiết thực cho mục tiêu xây dựng hồ sơ trình UNESCO để TP HCM được công nhận hòa vào mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" trên thế giới.
Tại Việt Nam, năm 2019 UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực "thiết kế" và mới đây - tháng 10-2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực "Thủ công và nghệ thuật dân gian" và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực "Âm nhạc".
Ngày 16-4-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TP HCM là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Hải Phòng, Hạ Long, Vũng Tàu, Cần Thơ… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới "Thành phố sáng tạo" của UNESCO trong những năm tới.