Hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời kỳ mới

Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế.

Hội thảo "Góp ý hồ sơ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia. (Ảnh: Hồng Lê)

Hội thảo "Góp ý hồ sơ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia. (Ảnh: Hồng Lê)

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội - VUSTA) tổ chức Hội thảo "Góp ý hồ sơ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan nhằm đảm bảo Quy hoạch được xây dựng một cách khoa học, thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cho biết, việc xây dựng một quy hoạch tổng thể và chiến lược cho hệ thống giáo dục đại học và sư phạm là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông qua hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, phân tích sâu sắc các vấn đề liên quan, từ đó đưa ra những kiến nghị thiết thực, góp phần hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi triển khai, đồng thời xây dựng một hệ thống giáo dục đại học và sư phạm hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời đại và hội nhập quốc tế.

Ngày 17/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209). Theo Khoản 5 Điều 1 Quyết định 209/QĐ-TTg năm 2021 quy định yêu cầu về sản phẩm quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030 bao gồm 5 loại: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt quy hoạch; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến; Hệ thống bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Như vậy, có thể về cơ bản các tài liệu theo Quyết định số 209 của Thủ tướng đã được Bộ GD&ĐT chuẩn bị đầy đủ. Do chỉ tiếp cận bản Báo cáo tổng hợp Quy hoạch nên tôi xin đóng góp ý kiến vào bản Quy hoạch được tiếp cận.

Thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế

TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá cao về bố cục cũng như những nội dung nêu trong bản Dự thảo Báo cáo tổng hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, hồ sơ quy hoạch này đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, trên cơ sở đó cùng với việc đánh giá nhận định những cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu, dự báo về tình trong nước và quốc tế để đề xuất các kịch bản và lựa chọn kịch bản phù hợp nhằm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm của nước ta giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Ông Phạm Văn Tân nêu quan điểm, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm cần thể hiện được những tư tưởng chính như bám sát cung cầu, gắn liền với các vùng kinh tế; chuyển hệ thống giáo dục đại học sang giai đoạn đổi mới sáng tạo; lưu ý nhu cầu tiếp cận đại học của người dân và phân tầng đại học. Quy hoạch mạng lưới tránh tràn lan, nên tập trung một số trọng tâm, trọng điểm, tạo sự khác biệt với giai đoạn trước, bắt kịp với xu thế phát triển, đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, theo ông Tân, cần cân nhắc về số lượng các trường đại học theo các khu vực trong cả nước, bảo đảm sự cân đối giữa các vùng hài hòa với mức độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Đồng thời, quan tâm đến việc phát triển các đại học vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mệnh dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ vùng; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu vùng trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS. Tô Bá Trượng, Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, hệ thống giáo dục đại học và đào tạo sư phạm đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Báo cáo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một tài liệu quan trọng vì nó đưa ra một kế hoạch tổng thể cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học và sư phạm trong một khoảng thời gian dài, từ năm 2021 đến 2050. Điều này giúp bảo đảm tính bền vững và sự đồng bộ trong các chính sách phát triển giáo dục. Đồng thời, quy hoạch giúp đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có vai trò then chốt trong việc đào tạo các thế hệ nhân lực cho đất nước.

"Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm sẽ giúp các cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế", ông Tô Bá Trượng nói.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục giúp phân bổ nguồn lực hợp lý, phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, cũng như cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập. Từ đó, giúp bảo đảm rằng sự phát triển giáo dục sẽ được phân bổ đồng đều giữa các khu vực, không để thiếu hụt về chất lượng hay cơ hội học tập. Quy hoạch này là căn cứ để các cơ quan, đơn vị liên quan hoạch định ngân sách, phân bổ nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển giáo dục quốc gia.

Theo PGS. TS. Tô Bá Trượng, báo cáo là tài liệu quan trọng cung cấp những chiến lược, phương hướng phát triển cần thiết để hệ thống giáo dục đại học và sư phạm có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước trong thời kỳ mới.

“Từ những phân tích và nhận xét về báo cáo quy hoạch, có thể thấy rằng kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một chiến lược quan trọng, có tính khả thi cao nếu được triển khai đúng đắn. Tuy nhiên, để đạt những mục tiêu đề ra, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các trường đại học, cũng như các chuyên gia giáo dục. Điều này góp phần tạo dựng một hệ thống giáo dục đại học và sư phạm hiện đại, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số”, PGS. TS. Tô Bá Trượng nhấn mạnh.

PGS. TS. Tô Bá Trượng chia sẻ tại Hội thảo.

PGS. TS. Tô Bá Trượng chia sẻ tại Hội thảo.

Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng cao

Bày tỏ quan điểm của mình, PGS.TS. Phạm Viết Vượng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, trong xã hội hiện đại đội ngũ nhà giáo cần được đào tạo bài bản, khoa học để trở thành bộ phận nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đây cho thấy các trường đại học sư phạm có vai trò to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Trong nền giáo dục hiện đại, đội ngũ nhà giáo phải đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng tốt để giảng dạy tất cả các môn học của mọi cấp học, bậc học và ở mọi địa phương.

Tuy vậy, hiện nay ở bậc giáo dục phổ thông tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương, thậm chí có những thời điểm hàng vạn giáo viên xin nghỉ việc, nhiều địa phương không tuyển được giáo viên cho các môn học còn thiếu.

Mới đây, do không chuẩn bị đủ giáo viên để giảng dạy các môn học tích hợp của chương trình và sách giáo khoa 2018, có ý kiến đề xuất cho tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng để giảng dạy các môn học đó ở cấp trung học cơ sở. Điều này không phù hợp với mục tiêu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cũng như điều 72 của Luật Giáo dục về trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo.

PGS.TS. Phạm Viết Vượng cho rằng, để đội ngũ nhà giáo trở thành bộ phận nhân lực chất lượng cao nhà nước cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo với các giải pháp có tính hệ thống và đồng bộ.

Đầu tiên, cần sắp xếp lại hệ thống các trường đại học sư phạm. Để các trường đại học sư phạm trở thành một thể thống nhất, đào tạo có chất lượng và hiệu quả, những việc cần phải tiến hành như xác định lại số lượng trường đại học sư phạm cần có để đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên cho cả nước...

Thứ hai, đào tạo đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo. Với phương châm ở đâu có học sinh ở đó phải có trường học, có giáo viên, trong trường dạy những môn học gì thì ở đó phải có giáo viên được đào tạo chuyên sâu giảng dạy.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Để tiến kịp với trình độ chung của các nước trong khu vực và trên thế giới chúng ta cần tăng thời gian đào tạo giáo viên cho các cấp học, bậc học.

Thứ tư, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên. Chương trình đào tạo giáo viên cần được thiết kế với bốn khối kiến thức: khoa học cơ bản, khoa học cơ sở, khoa học chuyên ngành và khoa học sư phạm.

"Nhà giáo có vai trò quan trọng trong bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ kinh nghiệm đào tạo nhà giáo trong nước cũng như từ kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, chúng ta cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để đội ngũ nhà giáo trở thành bộ phận nhân lực chất lượng cao của đất nước. Các trường đại học có sứ mệnh quan trong trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cần được quy hoạch hợp lý, đầu tư nâng cấp để có đủ năng lực thực hiện", PGS. TS. Phạm Viết Vượng khẳng định.

Hồng Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/huong-den-viec-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-trong-thoi-ky-moi-294180.html