Hướng đến việc người lao động không phải trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài
Chiều 13/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trong đó có một số nội dung quan trọng như quy định về thu tiền dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của người lao động…
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đối với nội dung giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, vấn đề này hiện nay đang được Chính phủ thực hiện thí điểm với số lượng còn rất ít cả về số địa phương thực hiện, số lượng lao động đưa đi, số nước tiếp nhận, làm việc chủ yếu theo mùa vụ; mô hình thực hiện cũng khác nhau, thời gian thí điểm ngắn và chưa được tổng kết, đánh giá.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục thí điểm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thí điểm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan và xin phép Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Về tiền dịch vụ, có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định người lao động phải trả tiền dịch vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phải tiến tới giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động và tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo tinh thần khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Tuy nhiên, trước mắt, để việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn được triển khai bình thường, Dự thảo Luật vẫn tiếp tục quy định về tiền dịch vụ nhưng đã chỉnh lý theo hướng làm rõ hơn về tiền dịch vụ; quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ…
Về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bên cạnh những quyền đã được quy định, Dự thảo Luật đã bổ sung quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng bổ sung quy định nghĩa vụ của người lao động sau khi về nước thực hiện khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú.
Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho các địa phương để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, mở rộng và phát triển thị trường lao động ở nước ngoài.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc sử dụng và chi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước phải căn cứ vào nguyên tắc đóng và đối tượng đóng. Dự thảo Luật đã không còn quy định Nhà nước đóng góp vào Quỹ này và chỉnh lý quy định các trường hợp, nội dung hỗ trợ cụ thể đối với người lao động, đối với doanh nghiệp dịch vụ để tránh trùng lắp với việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 95,02% tổng số đại biểu). Kết quả, Dự thảo Luật đã được thông qua với 456 đại biểu tán thành (chiếm 94,61%); 0 có đại biểu nào không tán thành và có 2 đại biểu không biểu quyết (chiếm 0,41%).