Hướng đến xây dựng Quảng Trị trở thành biểu tượng, nơi tôn vinh giá trị của hòa bình

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4 (1975 - 2020) và 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 -2020), phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về một số nội dung liên quan đến Ngày hội Thống nhất non sông; hướng tới Festival Vì hòa bình.

- Thưa đồng chí! Hòa chung không khí phấn khởi, tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4 (1975-2020), năm 2020 cũng là năm đánh dấu mốc tròn 20 năm lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức tại Quảng Trị và 10 năm trở thành lễ hội cấp quốc gia, đề nghị đồng chí khái quát về sự kiện mang nhiều ý nghĩa này?

- Lễ hội Thống nhất non sông là hoạt động thiết thực, mang nhiều ý nghĩa, vừa ôn lại ký ức của một thời hào hùng và bi tráng để tiếp tục tôn vinh truyền thống cách mạng kiên trung, hào hùng của quê hương, đất nước, đồng thời là dịp để tri ân sâu sắc những người đã cống hiến công sức, xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào năm 1954, sông Bến Hải bị chia cắt, trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; là chiến trường khốc liệt nhất giữa ta và địch. Mảnh đất này trở thành nơi đối đầu của cuộc chiến tranh mang tầm vóc thời đại, là nơi đối mặt của chính nghĩa và phi nghĩa, giữa khát vọng thống nhất và dã tâm chia cắt lâu dài đất nước. Trong cuộc đối đầu đó, kẻ thù đã thực hiện cuộc chiến tranh hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học, cùng các chiến lược chiến tranh thâm độc hòng đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”.

Nhưng với khát vọng thống nhất của cả dân tộc Việt Nam, với ý chí kiên cường, lòng quả cảm và niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ kính yêu, quân và dân Quảng Trị đã kiên cường, bất khuất, anh dũng bám trụ đánh địch với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”. Lá cờ Hiền Lương nơi đầu cầu giới tuyến - biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành niềm tin, ý chí thống nhất của đồng bào hai miền Nam - Bắc. Với niềm tin ấy, sức mạnh ấy, quân và dân Quảng Trị đã cùng cả nước đồng lòng sát cánh, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được cả nước và bạn bè 5 châu biết đến, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam - Bắc sum họp một nhà.

 Lễ Thượng cờ trong lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức tại Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: TL

Lễ Thượng cờ trong lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức tại Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: TL

Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức lần đầu vào năm 2000, đến nay vẫn được duy trì, tổ chức định kỳ hằng năm vào ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Lễ hội được tổ chức tại Cụm Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải, trong đó vị trí chủ yếu là khu vực kỳ đài, cầu Hiền Lương cũ, phía Bắc và phía Nam cầu Hiền Lương. Lễ hội Thống nhất non sông, ngoài nghi thức thượng cờ còn có nhiều hoạt động mới mang dấu ấn riêng, xúc động, thiêng liêng và đi vào lòng người. Đến năm 2010, lần đầu tiên Lễ hội Thống nhất non sông được công nhận là lễ hội cấp quốc gia hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc này lễ hội được tổ chức với nghi thức hai bầu nước thiêng từ đầu nguồn Pắc Bó, suối Lênin - nơi chiến khu Việt Bắc và từ cuối dòng sông Hậu là nơi hợp lưu của 9 dòng sông phương Nam gửi về đây hòa cùng dòng Bến Hải. Đến năm 2011, lễ hội đã cử hành nghi thức đón nhận 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông. Gần đây nhất, trong năm 2019, sau lễ thượng cờ các đại biểu Trung ương và địa phương đã đến giữa cầu Hiền Lương lịch sử để thả bóng bay lên bầu trời với thông điệp “Nguyện cầu cho hòa bình thế giới”. Có thể khẳng định, Lễ hội Thống nhất non sông không chỉ là một lễ hội cách mạng đơn thuần mà còn thể hiện tâm tư, tình cảm và khát vọng thống nhất của biết bao thế hệ người Việt Nam.

- Lễ hội Thống nhất non sông là sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước, tuy nhiên trước bối cảnh diễn biến phức tạp của COVID - 19 như hiện nay, tỉnh dự kiến năm nay tổ chức lễ hội như thế nào, thưa đồng chí?

- Tròn 20 năm ra đời và 10 năm trở thành lễ hội cấp quốc gia, Lễ hội Thống nhất non sông khẳng định “thương hiệu” của mình trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế khi đến với Quảng Trị. Qua các mùa lễ hội, Quảng Trị đã gặt hái được nhiều thành công, tạo dấu ấn thu hút khách tham quan du lịch, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lễ hội Thống nhất non sông năm 2020 đúng vào dịp kỷ niệm năm chẵn nên ngay từ đầu năm tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT &DL) chuẩn bị lên kế hoạch cho các phần việc quan trọng của lễ hội như: Lễ Thượng cờ, tổ chức đua thuyền, chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay tỉnh tập trung công tác phòng chống COVID - 19 và đặc biệt hiện nay đang trong đợt cao điểm ngăn chặn COVID-19 lây nhiễm ra cộng đồng, do vậy tỉnh sẽ không tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông như thông lệ.

Tuy vậy, tỉnh sẽ có một số hoạt động phù hợp để ôn lại ký ức của một thời hào hùng và bi tráng để tiếp tục tôn vinh truyền thống cách mạng kiên trung, hào hùng của quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tạo được những mô hình mới, những điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực để chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Là mảnh đất gắn với nhiều lễ hội cách mạng tiêu biểu mang ý nghĩa nhân văn cao cả như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, “Thả hoa trên sông Thạch Hãn”, “Tri ân tháng 7”… Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động hướng đến xây dựng Quảng Trị trở thành biểu tượng, nơi tôn vinh giá trị của hòa bình. Đồng chí cho biết việc chuẩn bị tổ chức Festival “Vì hòa bình” đến nay như thế nào?

- Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, một trong những đất nước bị chiến tranh lâu dài, nặng nề nhất với nhiều mất mát, đau thương. Những địa danh như Hiền Lương, Bến Hải, Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn, Cửa Việt, Thành Cổ… mãi mãi là những bản anh hùng ca bất tử làm lay động lương tri nhân loại. Hiếm có nơi nào như Quảng Trị, có ba con sông lớn là Thạch Hãn, Bến Hải, sông Hiếu thì hai con sông đã từng là ranh giới chứng kiến sự chia cắt của khát vọng thống nhất đất nước; 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia với 53.955 phần mộ. Vào những ngày lễ lớn, đêm rằm, dòng người khắp nơi tìm về thắp nén hương thơm, thả hoa đăng bày tỏ lòng biết ơn, thành kính nguyện cầu anh linh các anh hùng liệt sĩ. Mảnh đất này cũng có đến 20.055 liệt sĩ, 18.191 thương binh, bệnh binh, 2.704 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 52.057 người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại. Đến với Quảng Trị hôm nay, mỗi người sẽ hiểu được sự khốc liệt, bạo tàn của chiến tranh, hiểu được giá trị của hòa bình, độc tập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời tưởng niệm, tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh.

 Hội bài chòi tại Cụm di tích đặc biệt quôc gia Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải trong Lễ hội Thống nhất non sông. Ảnh: Tú Linh

Hội bài chòi tại Cụm di tích đặc biệt quôc gia Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải trong Lễ hội Thống nhất non sông. Ảnh: Tú Linh

Đã nhiều năm nay, tỉnh Quảng Trị chọn tháng 7 là tháng tri ân với nhiều hoạt động, sự kiện có quy mô được tổ chức như: Huyền thoại Trường Sơn, Dòng sông hoa lửa, Liên hoan nghệ thuật Đường 9 xanh, Giải đua thuyền truyền thống toàn quốc… thu hút hàng triệu lượt du khách và đông đảo Nhân dân đến tham dự, thăm viếng tri ân. Hai chữ “Quảng Trị” không chỉ là địa danh mà đã trở thành một “vùng đất thiêng”, một biểu tượng chung, niềm tự hào về một thời hào hùng của dân tộc anh hùng, của nghĩa tình đồng chí sâu nặng, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Là vùng đất chịu đựng quá nhiều sự khốc liệt, hy sinh, mất mát của chiến tranh nên hòa bình đã trở thành khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của Nhân dân Quảng Trị cũng như của toàn thể dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Xuất phát từ ý nghĩa nhân văn cao cả này, thực hiện nhiệm vụ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, UBND tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo Sở VH, TT&DL tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Đề án “Festival vì hòa bình”, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để triển khai thực hiện.

Quá trình triển khai, Sở VH, TT & DL đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức học kinh nghiệm trong tổ chức lễ hội của các tỉnh, thành phố; bám sát những định hướng phát triển các sản phẩm du lịch theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy Quảng Trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó xây dựng dự thảo đề cương khung (ý tưởng); tổ chức tham vấn ý kiến của các sở, ngành, địa phương liên quan, các chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch ở Trung ương, địa phương với những mục tiêu, yêu cầu và nội dung đã được xác định. Festival Vì hòa bình là một sự kiện đặc sắc, riêng có và mang nhiều ý nghĩa để hướng đến xây dựng Quảng Trị trở thành biểu tượng, nơi tôn vinh giá trị hòa bình của nhân loại.

Qua nhiều lần dự thảo, để có cơ sở khoa học trình các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, ngày 27/12/2019, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo về Đề án “Festival Vì hòa bình”, gồm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia văn hóa, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh... Tại Hội thảo các đại biểu đánh giá rất cao về ý tưởng tổ chức Festival Vì hòa bình; đồng tình, thống nhất với quy mô, tính chất, tiêu chí và khung chương trình cần đạt được của một kỳ tổ chức festival theo như nội dung dự thảo đề án đã đề ra; ủng hộ tỉnh Quảng Trị là địa phương xứng đáng nhất để tổ chức festival này. Đây là hoạt động mang tính nhân văn cần được tổ chức thực hiện, đồng thời phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế”. Việc tỉnh Quảng Trị đề xuất ý tưởng tổ chức Festival Vì hòa bình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ bằng văn bản của Bộ VH, TT & DL, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao…

Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện Đề án “Festival Vì hòa bình” có quy mô quốc gia và quốc tế, nằm trong danh mục các lễ hội lớn của Chính phủ, Bộ VH, TT & DL và được tổ chức 2 năm một lần vào dịp tháng 7. Mục tiêu, ý nghĩa của Festival Vì hòa bình là nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của Nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; là dịp để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh. Sự kiện này còn là một biểu tượng của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam; xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về đất và người Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung để phát triển kinh tế du lịch...

Đề án tổ chức “Festival Vì hòa bình” xác định các tiêu chí là lên án chiến tranh, ngợi ca giá trị hòa bình; chống nguy cơ chiến tranh; tưởng niệm, tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì chiến tranh, vì hòa bình; kêu gọi đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình, hội nhập, hợp tác cùng phát triển, xây đắp hòa bình, hữu nghị, thịnh vượng. Khung chương trình của một kỳ Festival Vì hòa bình bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa - nghệ thuật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về chủ đề hòa bình; hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh và cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an; hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và trùng tu, tôn tạo các di tích gắn với khai thác, phát huy các giá trị vật thể; các hoạt động xã hội, hướng trọng tâm vào chăm lo nạn nhân chiến tranh, hỗ trợ phát triển các khu vực bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt. Cùng với đó là các hoạt động khác như quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, hội chợ thương mại - du lịch, văn hóa ẩm thực, tổ chức các tour du lịch... Không gian của festival là tỉnh Quảng Trị với những điểm nhấn khác nhau ứng với mỗi kỳ tổ chức. Festival Vì hòa bình sẽ do UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì phối hợp với Bộ VH,TT&DL, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam và một số bộ, ngành liên quan tổ chức.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148030