Hướng đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử English Edition
Những năm gần đây, Long An là một trong những địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đạt kết quả này, nhờ địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hướng đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được tỉnh chú trọng quan tâm đầu tư, triển khai sâu, rộng, tạo bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động. Qua đó, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết công việc và đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức
Giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và mạng nội bộ để trao đổi công việc; 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử tích hợp vào Cổng thông tin điện tử tỉnh vận hành ổn định, thông suốt. Hệ thống Một cửa điện tử được triển khai, sử dụng đồng bộ đến các sở, ngành và 100% UBND cấp huyện, xã. Qua đó, phục vụ tốt việc tiếp nhận luân chuyển, xử lý, theo dõi, công bố tình trạng giải quyết hồ sơ (HS) hành chính trên môi trường mạng.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức cho biết: “Thời gian qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; triển khai các hạng mục chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu thông tin hộ kinh doanh trên địa bàn;... Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đạt gần 100%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số đạt trên 99%; tỷ lệ HS giải quyết đúng hạn trên hệ thống Một cửa điện tử đạt 99% và tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử đạt 96%”.
Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đây luôn niềm nở, tận tình khi tiếp nhận và trả kết quả HS TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Một trong những điểm nổi bật của Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ trong thời gian qua là tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch nhân rộng việc triển khai, thực hiện “Chiến dịch hướng dẫn và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)” trên địa bàn. Theo đó, địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện Chiến dịch hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT đối với các TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2 và hỗ trợ người dân nộp HS trực tuyến bằng điện thoại thông minh.
“Để bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, đơn vị nhận HS trực tuyến đối với các TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 3, 4; các TTHC còn lại vẫn được tiếp nhận HS nộp trực tiếp nhưng thực hiện trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công ích” - Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ - Võ Hồng Trinh chia sẻ.
Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị dẫn đầu triển khai DVCTT mức độ 3, 4. Hiện nay, Sở triển khai 6 DVCTT mức độ 4, gồm: Cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; giấy phép xuất bản tin (trong nước); giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, cho phép họp báo (trong nước); đăng ký sử dụng máy photocopy màu và máy in có chức năng photocopy màu. Qua đây, giúp người dân, doanh nghiệp đăng ký, giải quyết HS TTHC qua mạng.
Xây dựng chính quyền điện tử
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tiến tới hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, UBND tỉnh đã phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử Long An phiên bản 1.0; hoàn chỉnh Cổng DVCTT tỉnh, bảo đảm phục vụ việc tiếp nhận, luân chuyển TTHC, công bố tình trạng giải quyết TTHC trên môi trường mạng, cung cấp DVCTT mức độ 2, 3 cho người dân, doanh nghiệp,…
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi, hiện tỉnh hoàn thành đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu cơ bản đảm đương triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thông tin mô hình 4 lớp cho Trung tâm dữ liệu tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kết nối đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% cơ quan nhà nước phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh.
“Hiện hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được quan tâm nâng cấp, hoàn thiện các chức năng gửi, nhận văn bản qua trục liên thông của tỉnh, đáp ứng việc ký số văn bản điện tử và các trạng thái phản hồi văn bản theo quy định. Qua đây, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, công sở thân thiện của dân, do dân và vì nhân dân phục vụ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung thông tin.
Có thể thấy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần hiện đại hóa nền hành chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính với mục tiêu hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân, cải tiến hiệu quả và minh bạch hoạt động chính quyền; bảo đảm tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước./.