Hướng đi hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo (bài 2)
Bài 2: Kết quả đáng mừngĐBP - Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, cùng sự cần cù, chịu khó của người dân, sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 về phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, huyện Điện Biên Đông đã đạt những kết quả đáng mừng. Đàn gia súc tăng cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng ổn định, người dân đã chuyển dần từ hình thức chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt quy mô gia trại, trang trại, quan tâm làm tốt phòng chống dịch bệnh. Chăn nuôi đại gia súc đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện...Bài 1: Nền tảng từ Nghị quyết số 07
Nông dân thị trấn Điện Biên Đông chăm sóc đàn bò.
Tăng đàn vật nuôi
Thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 07, huyện Điện Biên Đông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhằm giúp người dân phát triển, mở rộng đàn chăn nuôi như: Hỗ trợ con giống, làm chuồng trại, tiêm phun phòng, giống trồng cỏ... Trong 4 năm qua, huyện đã triển khai được 115 mô hình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 15 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số gia súc hỗ trợ là hơn 3.080 con (trong đó 2.794 con bò và 289 con trâu) cho 3.778 hộ thụ hưởng; hỗ trợ trồng 146ha cỏ Ghine. Huyện cũng thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú ý xã, thú ý thôn, bản; bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi gia súc; chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên và các phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi để lao động nông thôn có thêm kiến thức áp dụng vào việc chăm sóc đàn gia súc của gia đình. Giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã mở 25 lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, dê với sự tham gia của hơn 860 lao động nông thôn. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh, phun hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, kiểm dịch gia súc ra địa bàn được huyện quan tâm thực hiện đảm bảo. Đặc biệt, huyện cũng tích cực vận động nhân dân xây dựng chuồng trại bằng những nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương, hạn chế tối đa tình trạng thả rông gia súc; vận động nhân dân tận dụng những diện tích nhỏ lẻ, đất bỏ hoang, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi. Đến hết năm 2020, diện tích trồng cỏ của toàn huyện là 478ha, tăng 153ha so với năm 2017. Ngoài ra, người dân còn tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, thân cây ngô, lạc, đỗ làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; khắc phục tình trạng khan hiếm thức ăn cho gia súc vào mùa khô. Nhờ vậy, đàn gia súc của huyện sinh trưởng và phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,7%/năm, riêng đàn trâu, bò đạt 14,2%/năm. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của huyện đã phát triển lên thành hơn 41.360 con, tăng hơn 7.400 con so với năm 2017.
Tìa Dình là một trong những xã đi đầu trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc của Điện Biên Đông. Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình chia sẻ: Để phát triển đàn trâu, bò, hàng năm xã đã tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ, vận động nhân dân đầu tư mở rộng đàn; chủ động xây dựng chuồng trại, không thả rông gia súc; trồng thêm cỏ voi, cỏ Ghine, tận dụng nguồn phụ phẩm nông sản làm thức ăn chăn nuôi; chỉ đạo cán bộ thú ý xã chủ động phun hóa chất tiêu độc khử trùng, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi... Vì vậy, tổng đàn gia súc của xã liên tục tăng trong những năm qua. Hiện đàn gia súc của xã có hơn 5.000 con; trong đó, gần 800 con trâu và hơn 2.610 con bò (tăng hơn 440 con) so với năm 2019.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc không chỉ giúp huyện Điện Biên Đông phát huy được lợi thế của địa phương mà còn giúp hộ chăn nuôi trên địa bàn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát cảnh đói nghèo, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo nhanh và bền vững. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trên 5%. Đáng nói, kiến thức về chăn nuôi của người dân từng bước được nâng cao, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi tập trung, người dân đã chuyển dần hình thức chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt tập trung, nhiều hộ đã chủ động dự trữ, bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc. Giá trị từ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện đã đạt hơn 200 tỷ đồng/năm, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi đại gia súc.
Ông Vàng A Dia, Chủ tịch UBND xã Háng Lìa cho biết: Với tỷ lệ hộ nghèo cao, 100% người dân tộc Mông, xã Háng Lìa xác định chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chính trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Vì thế, tận dụng nguồn vốn 30a, 135 mà trước đây xã thường hỗ trợ mua vật dụng, máy móc, giống gia cầm nhưng không mang lại hiệu quả để chuyển sang hỗ trợ giống trâu, bò cho hộ nghèo. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân chủ động chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Diện tích trồng cỏ toàn xã hiện là 200ha (lớn nhất huyện Điện Biên Đông). Quan tâm làm tốt công tác phòng bệnh, chủ động nguồn thức ăn đã giúp đàn trâu, bò của xã phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Chăn nuôi đại gia súc đã trở thành hướng đi hiệu quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã. Hiện tổng đàn gia súc toàn xã là hơn 4.510 con; trong đó, gần 3.330 con trâu, bò. Gần như hộ dân nào trong xã cũng nuôi ít nhất 1 con trâu hoặc 1 con bò, hộ nuôi nhiều đến vài chục con. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã tăng lên hơn 14,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 49,42% (giảm 5% so với năm 2019).
Cách đây hơn 10 năm, cuộc sống của gia đình ông Vàng Phá Ly, bản Háng Lìa B, xã Háng Lìa hết sức khó khăn; song nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò gia đình ông đã dần thoát cảnh đói nghèo, có “của ăn của để”. Ông Ly chia sẻ: Lúc đầu gia đình tôi chỉ nuôi 5 con trâu, bò nhưng dần dần đàn vật nuôi sinh sản thêm, đến nay đàn trâu, bò của gia đình đã phát triển lên thành hơn 30 con. Để quản lý và chăm sóc tốt đàn gia súc, ông đã làm hàng rào dây thép gai quanh quả đồi rộng gần 4ha của gia đình để làm bãi chăn thả. Hàng năm, ông đều chủ động mua thuốc, tiêm phòng dịch bệnh, trồng thêm 1ha cỏ voi làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Vì vậy, đàn trâu, bò của gia đình ông phát triển ổn định, không bị dịch bệnh. Hiện mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi đại gia súc. Nguồn thu trên đã giúp gia đình có điều kiện mua sắm máy móc, vật dụng thiết yếu, cải thiện nâng cao cuộc sống.
Chăn nuôi đại gia súc đã trở thành hướng đi phù hợp, hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện Điện Biên Đông. Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã thoát cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu.
Bài 3: Để chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn