Hướng đi mới cho ngành du lịch

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch khiến lượng khách tham quan tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, không ngừng tăng nhanh.

Ðây là điều đáng mừng, song cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phải thường xuyên đổi mới của ngành du lịch trong việc tìm ra những điểm đến mới, tạo những trải nghiệm độc đáo để hấp dẫn du khách, từ đó giúp sự tăng trưởng của ngành được ổn định, bền vững. Thời gian gần đây, việc kết hợp giữa du lịch và sân khấu được xem là hướng đi mới của nhiều đơn vị lữ hành, hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Với sự kết hợp này có thể thấy ngay hai lợi ích: mô hình sân khấu hiện đại, năng động trên cơ sở kết tinh những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc sẽ góp phần hữu hiệu trong quảng bá du lịch của mỗi quốc gia; đồng thời thông qua du lịch, các loại hình sân khấu sẽ mở rộng được đối tượng khán giả, và nghệ sĩ có thêm không gian để sáng tạo.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu đã đóng góp đáng kể vào thành công của ngành du lịch tại nhiều quốc gia.

Thậm chí tại một số nước, sân khấu được lựa chọn như là nội dung trọng điểm để phục vụ khách du lịch, thể hiện bằng việc các chương trình biểu diễn nghệ thuật là nội dung chính của các tour (chuyến du lịch). Minh chứng cho điều này có thể thấy qua việc nhiều du khách mua tour để được thưởng thức ba-lê ở Nga, kịch Noh ở Nhật Bản, kinh kịch ở Trung Quốc, biểu diễn Cabaret (một loại hình nhạc kịch) ở Thái-lan,...

Tại Việt Nam, việc thiết kế các tour, bên cạnh những điểm tham quan gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh, một số đơn vị lữ hành đã có thêm nội dung thưởng thức các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: cải lương và đờn ca tài tử ở đồng bằng sông Cửu Long, tuồng ở Bình Ðịnh, ca kịch ở Huế, bài chòi ở Quảng Nam, hát xoan ở Phú Thọ, quan họ ở Bắc Ninh,... Gần đây nhất có thể kể đến hai chương trình nghệ thuật đặc sắc thu hút được sự quan tâm đông đảo của khách du lịch trong nước và nước ngoài là Tinh hoa Bắc Bộ ở Hà Nội và Ký ức Hội An ở Quảng Nam.

Ðiểm chung của hai chương trình này là kỹ năng sử dụng nghệ thuật thực cảnh, được dàn dựng công phu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, với sự hỗ trợ hiệu quả của kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Qua những chương trình này, du khách không chỉ được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc mà còn có dịp hiểu và yêu hơn văn hóa của một vùng đất.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay, việc các đơn vị lữ hành đưa những chương trình biểu diễn nghệ thuật vào các tour phần lớn vẫn mang tính tự phát, manh mún, theo kiểu làm cho có. Do đó nội dung của nhiều chương trình còn khá đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Từ đây đặt ra yêu cầu: để việc kết hợp giữa du lịch và sân khấu đạt được hiệu quả đòi hỏi cần có một chiến lược bài bản. Về phía ngành du lịch, cần chủ động "đặt hàng" các đơn vị nghệ thuật, tăng cường lồng ghép các hoạt động thưởng thức nghệ thuật trong việc tổ chức các tour.

Về phía các nghệ sĩ, cần không ngừng đổi mới tư duy, có những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời có khả năng thích ứng với mọi điều kiện để biểu diễn phục vụ nhiều đối tượng công chúng. Hy vọng rằng hướng đi mới này sẽ sớm phát huy hiệu quả cao trên thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và sân khấu, từ đó đóng góp tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41884702-huong-di-moi-cho-nganh-du-lich.html