Hướng đi mới của người H'Mông với cây dược liệu
Từ bao đời nay, người H'Mông ở Sủng Trái (Đồng Văn – Hà Giang) bám lấy mảnh đấy đá tai mèo sắc lẹm với cây ngô cây lúa nhưng vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Nhờ có sâm dây Ngọc Linh, đồng bào H'Mông đã xây nhà, mua được tivi, xe máy… cuộc sống ổn định hơn từng ngày.
Nỗ lực giúp người dân H'Mông thoát khỏi cái nghèo, nhóm nghiên cứu của Vườn ươm Bắc Bộ đã thử nghiệm trồng sâm dây Ngọc Linh trên mảnh đất Sủng Trái vào năm 2017. Bước đầu, cây phát triển rất tốt, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Thế nhưng khi mùa khô đến, vùng đất đầy đá tai mèo này trở nên khô cằn, không thể tìm được nguồn nước tưới cho vùng trồng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương án bẫy sương hiện đại nhưng nước tưới vẫn không thể đủ.
Sau hàng loạt nghiên cứu, tìm tòi, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm việc trồng củ sâm với cỏ tranh trên mảnh đất Sủng Trái để ra đời sản phẩm trà sâm dây Ngọc Linh. Đây là sản phẩm mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện giấc ngủ…
Sâm dây Ngọc Linh (thuộc dòng đảng sâm) là một dược liệu quý hiếm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Sâm dây Ngọc Linh cũng được nthị trường "săn đón" với giá ngày càng cao. Giá trị của sâm dây Ngọc Linh được quyết định bởi tuổi của sâm. Ví dụ một cây sâm 100 năm tuổi, có thể có giá lên tới cả tỷ đồng. Ngoài ra, các chế phẩm từ sâm ngọc linh như rượu sâm ngọc linh, lá sâm ngọc linh cũng dao động từ vài triệu tới cả chục triệu đồng.
Năm 2019, dự án ươm trồng dược liệu sâm dây Ngọc Linh đã được thực hiện với vườn ươm dự kiến từ 1-2 triệu cây giống mỗi năm và hơn 15.000m2 sâm dây Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng tại xã Thuận Hòa (Vị Xuyên – Hà Giang).
Cùng với đó, vùng đất Sủng Trái được sử dụng làm nơi nghiên cứu, nhân giống, bảo tồn một số loại dược liệu quý như: thanh thiên quỳ, thất diệp nhất chi hoa, rễ cây cỏ tranh… Hiện ở Sủng Trái đã có hơn 2,8ha trồng sâm dây Ngọc Linh.
Sau hơn 2 năm triển khai dự án, người H'Mông ở Sủng Trái đã chuyển đổi từ trồng ngô, trồng sắn sang trồng dược liệu đem tới thu nhập ổn định hơn. Ngoài ra, dự án còn mở rộng thêm ở một số xã của huyện Đồng Văn.
Ông Nguyễn Đức Toản một trong những người tham gia dự án cho biết: "Mục tiêu tiếp theo của dự án là xây dựng tiêu chí sản phẩm OCOP tại địa phương và sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP). Đây không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là một biểu tượng đáng tự hào của người dân tại nơi mảnh đất biên cương phía bắc của Tổ Quốc".
Tiếp nối thành công bước đầu của việc bảo tồn và ươm trồng sâm dây Ngọc Linh ở huyện Vị Xuyên, Đồng Văn, nhóm nghiên cứu sẽ mở rộng thêm diện tích tại xã Lao Chải để bảo tồn các giống sâm quý hiếm với gần 41ha.