Hướng đi mới trồng tre tứ quý tại Ninh Sơn, Ninh Thuận
Tre tứ quý dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có thể thu hoạch măng quanh năm không chỉ giúp ông Nguyễn Minh Trân (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) nâng cao nguồn thu nhập mà còn mở ra hướng chuyển đổi cây trồng mới giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn tre tứ quý rộng 1,6 ha xanh mát, đẹp tựa như phim trường, ông Trân cho biết hiếm có loại tre nào cho thu hoạch măng gần như quanh năm như giống tre này. Ông Trân chia sẻ: vợ chồng ông từng trồng nhiều loại cây như táo, mít, súp lơ... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tháng 4/2021, qua tìm hiểu trên báo chí thấy mô hình trồng tre tứ quý ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất hay nên ông đã liên hệ và mua giống về trồng thử nghiệm.
Theo ông Trân, ban đầu ông nhập 2.000 phôi giống ươm lên đóng bầu rồi trồng theo hướng dẫn. Trung bình 1.000 mét vuông trồng 100 cây tre, mỗi cây cách nhau 3 mét, hàng cách hàng 3 mét. Tre tứ quý trồng khoảng 8 tháng bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên, đến tháng thứ 10 trở đi mỗi bụi tre có thể cho 10 cây măng/tháng, mỗi cây măng đạt trọng lượng từ 1,5 - 1,7 kg.
Cây tre tứ quý cho thu hoạch măng 10 tháng liên tục, nghỉ 2 tháng thay lá. Để ăn măng, ông Trân chia sẻ bí quyết chăm sóc: Trồng tre tứ quý không đòi hỏi kỹ thuật cao, trong quá trình canh tác người trồng thường xuyên phát dọn cành dư để tạo môi trường thông thoáng, vun gốc cao, giữ ẩm cho gốc tre để kích thích ra măng non. Mỗi năm nên tiến hành đốn bỏ những cây tre già trong vườn để lứa măng tơ phát triển, mỗi bụi chỉ giữ lại 2-3 cây để bụi tre nhanh cho măng to múp.
Cứ khoảng 3 ngày ông Trân thu hoạch một đợt măng, được từ 320 - 350kg bán cho thương lái với giá từ 10.000 -15.000 đồng/kg, lúc trái mùa có thể bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg ông Trân đã có thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày.
"Măng tre tứ quý có đặc điểm vỏ xanh, không lông, thịt trắng, không có hậu đắng như các loại măng khác, khi luộc qua lửa măng có màu vàng tự nhiên. Nhờ trồng hoàn toàn tự nhiên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, măng được thu hoạch trong ngày, đảm bảo độ tươi ngon nên khách hàng rất ưa chuộng. Hiện sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường các chợ ở Ninh Thuận", ông Trân cho hay.
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình trồng tre tứ quý, ông Trân cho biết, loại cây trồng này có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, tre không kén đất, chỉ cần bón lót phân lân, vi lượng, phân chuồng và tưới nước đầy đủ là cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt, trồng tre tứ quý một lần cho thu hoạch măng trên chục năm. Ngoài bán măng, gia đình ông Trân còn bán cây tre tứ quý để làm cột, sào, nhân giống tre để bán cho người dân địa phương. Tre tứ quý không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà còn góp phần cải thiện môi trường, chống sạt lở, xói mòn đất, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn tre.
Ông Đoàn Nhật Vương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn cho biết, mô hình trồng tre tứ quý của ông Nguyễn Minh Trân là một trong những mô hình mới được triển khai tại địa phương. Một số bà con nông dân trên địa bàn đã đến học tập kinh nghiệm, mua cây giống về trồng, mở ra hướng đi mới có nhiều triển vọng đối với người dân trong xã. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với chủ cơ sở tiếp tục theo dõi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình trồng cây tre tứ quý ở những khu vực đất đai thích hợp.
Hiện nay, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xây vựng vườn tre tứ quý thành điểm đến dã ngoại miễn phí, ông Nguyễn Minh Trân cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, liên kết mở rộng mô hình trồng cây tre tứ quý với các hộ nông dân. Hiện, măng tre tứ quý có thị trường tiêu thụ khá ổn định, ngoài bán măng tươi có thể làm măng chua, măng khô, chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Mong muốn của ông Trân trong thời gian tới sẽ cùng người dân địa phương phát triển loại cây này, tiến tới thành lập hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, kinh doanh măng sạch cung cấp cho thị trường, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương.