Hướng đi mới trong xử lý nước bằng năng lượng cơ học tự sinh

Không lõi lọc, không hóa chất và không điện năng là những ưu điểm vượt trội của công nghệ xử lý nước cơ học MET (Mechanical Energy Technologies). Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA do nhóm kỹ sư (đại diện là kỹ sư Vũ Tiến Anh) nghiên cứu, chế tạo, mang lại hướng đi mới trong xử lý nước ở Việt Nam hiện nay.

Đại úy Phạm Vũ Hưng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Xưởng X467 (Quân khu 4) cho biết: Xưởng lắp đặt hệ thống xử lý nước MET từ tháng 6-2020, đến nay hoạt động ổn định, tốn ít diện tích, hiệu suất sử dụng cao. Theo đánh giá cảm quan ban đầu, nước sau khi xử lý trong hơn, không có bụi bẩn, không bị cặn, không có mùi clo. Mẫu nước sau xử lý được kiểm định tại Phòng Phân tích môi trường, Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn và Phòng Phân tích môi trường, Trung tâm Kỹ thuật môi trường và an toàn hóa chất (Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam) theo 18 chỉ tiêu nước sinh hoạt, ăn uống đều đạt tiêu chuẩn. Công suất hoạt động của hệ thống xử lý nước đạt 40m3/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

 Lắp đặt hệ thống xử lý nước theo công nghệ MET cho doanh nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: TIẾN VŨ

Lắp đặt hệ thống xử lý nước theo công nghệ MET cho doanh nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: TIẾN VŨ

Ra đời từ năm 2012, công nghệ MET không chỉ xử lý được nguồn nước giếng khoan mà còn xử lý được các nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước ao hồ..., đặc biệt là xử lý nước thải của doanh nghiệp sản xuất thuốc tẩy nhuộm tóc-loại nước thải đặc thù, khó xử lý. Công nghệ MET có khả năng loại bỏ các thành phần tạp chất và chất nguy hại cho sức khỏe, như: Asen, phèn, sắt... đồng thời giữ lại các thành phần có lợi cho sức khỏe con người, xử lý triệt để một số khí độc, như: Metan, hydro sulfua, amoni... Chất lượng nước lọc cho sinh hoạt sau khi xử lý đạt chuẩn QCVN 01:2009/BYT, nước thải sinh hoạt sau xử lý đạt chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT, nước thải công nghiệp sau xử lý đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. Với tình trạng ô nhiễm nguồn nước như hiện nay, đây là bước ngoặt quan trọng trong việc xử lý nước của nước ta, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu.

Anh Vũ Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA, cho biết: Công nghệ MET dựa trên nguyên lý của sự thay đổi áp lực để phân tách dòng nước, hình thành màng lọc tự nhiên, sử dụng cơ chế tác động vật lý để tổng hợp xử lý nước thải, sử dụng hỗn hợp nguyên liệu chuyên biệt không cần bổ sung để xử lý chất khí và một số độc chất khác có trong nước. Nước cấp cho hệ thống từ bể gom 3 ngăn và được lọc bớt các tạp chất rắn, như: Lá cây, dị vật, mùn đất... Sau đó, dòng nước được bơm đẩy lên một bể, từ đó chảy xuống thiết bị xử lý với tốc độ điều hòa, chạy qua các guồng quay, các chi tiết cắt chéo, ngang, dọc, đục lỗ để tạo ra kích thước hạt và vận tốc dòng khác nhau. Khi nước đi qua vết cắt và đục lỗ sẽ chia thành các hạt, chạy qua nhiều vòng khác nhau luân chuyển giúp vừa chia nhỏ hạt vừa oxy hóa các thành phần hòa tan ở trong nước, tạo thành chất rắn và đưa ra ngoài hệ thống xử lý nước trên bề mặt cát của máy. Đối với hệ thống xử lý nước truyền thống, khi cho cát vào, toàn bộ chất bẩn sẽ đi xuống dưới đáy, nhưng với công nghệ MET thì chất bẩn sẽ nằm ở 20cm cát trên bề mặt, bên dưới cát vẫn sạch, chỉ bẩn phía trên. Khi sử dụng, người vận hành chỉ cần xới xốp lớp cát phía trên, không cần thay cát thường xuyên. Tùy từng nguồn nước khác nhau mà thời gian thay 20cm cát từ 1 đến 4 năm. Công nghệ MET không tiêu tốn điện năng mà chỉ sử dụng năng lượng cơ học để lọc nước, nên giá thành giảm tới 90% so với các công nghệ khác. Một hệ thống sử dụng công nghệ xử lý nước MET có tuổi thọ lên đến hơn 20 năm với công suất linh hoạt không giới hạn, phù hợp nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Đến nay, công nghệ MET thực sự đi vào cuộc sống, quy mô xử lý từ hộ gia đình, khu dân cư đến khu công nghiệp và các địa phương, lắp đặt cho hàng trăm hộ gia đình trên cả nước và ký kết với các công ty, đơn vị sản xuất công nghiệp, như: Công ty Xi măng Chinfon (Hải Phòng); Công ty gỗ Bình Minh (Ninh Bình); Nhà máy ống nhựa Dismy, Công ty Cổ phần Cúc Phương (Hưng Yên); Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Xưởng X467 (Quân khu 4)...

Ông Phạm Đức Nghiệm, Giám đốc Ban quản lý dự án, Trung tâm Đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC), Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định: Công nghệ xử lý và lọc nước thường hoạt động theo nguyên lý dùng màng lọc, hóa chất hoặc vi sinh, nhưng công nghệ MET không sử dụng nguyên lý truyền thống mà mang tính đột phá. Hy vọng trong thời gian tới, với sự chia sẻ, hỗ trợ của các đối tác, sản phẩm này sẽ từng bước thâm nhập vào thị trường quốc tế.

THÙY DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huong-di-moi-trong-xu-ly-nuoc-bang-nang-luong-co-hoc-tu-sinh-632164