Hướng đi nào cho Doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam thời hội nhập?
Trước 'làn sóng' bánh kẹo ngoại nhập ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt bị đặt vào thế khó khăn. Câu hỏi đặt ra là: Nên 'phòng thủ' giữ chắc trên 'sân' của mình hay chủ động 'tấn công' để giành phần thắng?
Theo nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt – Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết, từ ngày 01/01/2018, các sản phẩm bánh kẹo được áp dòng thuế nhập khẩu giảm về 0%. Như vậy, với việc gia nhập thị trường chung ASEAN, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đối với nhiều ngành hàng, các sản phẩm tiêu dùng nhanh, đặc biệt là bánh kẹo từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia dễ dàng gia công, nhập khẩu về Việt Nam.
Tính từ đầu 2018 tới nay và đặc biệt là hiện tại thời điểm khá gần với Tết, có thể thấy bánh kẹo ngoại nhập đã “phủ sóng” từ đại siêu thị tới chợ truyền thống. Không thể phủ nhận việc thông qua các nghị định mới mở ra cho người tiêu dùng Việt cơ hội tiếp cận hàng ngoại đa dạng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, trong làn sóng nhập khẩu ồ ạt, vẫn tồn tại những sản phẩm kém chất lượng đội lốt hàng ‘ngoại’ mà người tiêu dùng khó nhận biết được.
Có nhiều đơn vị đơn thuần làm thương mại nhưng sẵn sàng ra nước ngoài đặt nhãn hàng riêng (OEM) với giá rẻ, dán nhãn ngoại nhập với chất lượng kém xa hàng sản xuất trong nước để đánh vào tâm lý sính ngoại của người Việt.
Các đơn vị này chỉ làm theo mùa vụ tết, nhập về bán sỉ, cắt lô mua đứt bán đoạn do đó mọi hậu quả hàng kém chất lượng, hàng tồn sau tết các cửa hàng và người tiêu dùng phải gánh chịu. Vô hình chung, doanh nghiệp sản xuất trong nước đã bị đặt vào thế cạnh tranh khốc liệt.
Câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp Việt đang muốn tìm câu trả lời là: Trong thời hội nhập, nên “phòng thủ” khoanh vùng để giữ chắc 1 thị trường hay tấn công, mở rộng sẵn sàng đối mặt với thách thức và nguy cơ bị hòa tan từ những lời mời chào M&A hấp dẫn?
Công ty CP Quốc Tế Bảo Hưng – thương hiệu có kinh nghiệm 30 năm hoạt động sản xuất kinh doanh bánh kẹo trên thị trường đã quyết định không “phòng thủ co cụm” mà đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại tiêu chuẩn Châu Âu mới chiếm ưu thế so với các nước trong khu vực bằng việc đạt các chứng nhận quốc tế đủ cơ sở và tự tin “tấn công” sang chính các nước đang xuất hàng ồ ạt về Việt Nam.
Như vậy, bên cạnh việc chờ đợi vào những chính sách thông thoáng, hỗ trợ tích cực để có cơ hội “chơi bóng hay trên sân nhà”, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn nhập cuộc, bước vào cuộc đua giành thị phần trong “miếng bánh hơn 40 nghìn tỉ đồng”, thậm chí tấn công mạnh mẽ, thay đổi để sống còn.