Hướng đi nào cho ngành nuôi biển Việt Nam?

Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện tự nhiên và lợi thế để phát triển nuôi biển thành một ngành công nghiệp quan trọng của kinh tế biển và nền kinh tế quốc dân, đồng thời góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trên biển. Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nuôi biển để góp phần giữ biển, làm giàu cho biển, từ biển, mở ra hướng phát triển mới của đất nước về… phía biển. Nhưng để thực hiện mục tiêu này phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Bài 1: Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn một triệu ki-lô-mét vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm 30% diện tích Biển Đông. Bờ biển dài 3.260km với hơn 4.000 hòn đảo và các quần đảo, như: Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Sơn, Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Trường Sa, Hoàng Sa... và nhiều eo, vịnh. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, chế biến và thương mại hải sản. Biển của chúng ta cũng đã và đang có nhiều giống loài sinh vật bản địa và nhập nội quý hiếm, dễ nuôi trồng và cho hiệu quả cao.

Mặt khác, với 28 tỉnh, thành phố có biển, chúng ta có hơn 20 triệu cư dân sống ven biển và trên các đảo. Đây là lực lượng lao động quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội nói chung, ngành nuôi biển nói riêng. Trong những năm qua, nghề nuôi biển bắt đầu hình thành và phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Diện tích và sản lượng nuôi trồng hải sản tăng khá nhanh. Giai đoạn từ năm 2010 đến 2017, diện tích nuôi biển từ 38.800ha tăng lên 246.000ha; sản lượng nuôi biển từ 156.000 tấn tăng lên 377.000 tấn. Các đối tượng nuôi chính là cá biển (cá song, cá giò, cá vượt, cá chẽm...), nhuyễn thể (nghêu, hàu, sò, tu hài, ốc hương...), giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ...) và rong biển. Gần đây, nghề nuôi biển phát triển nhanh hơn trước cả quy mô và sản lượng. Tại Kiên Giang, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có gần 3.000 lồng bè nuôi trên biển, sản lượng đạt 1.400 tấn. Các địa phương khác, như: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng có chuyển biến tích cực hơn, số lượng lồng cá, diện tích nuôi tôm đều gia tăng và bắt đầu sử dụng thiết bị lồng nuôi HDPE sản xuất theo công nghệ Na Uy nhiều hơn.

Ở một số địa phương bắt đầu hình thành những mô hình nuôi biển quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, cho năng suất, chất lượng cao, hạn chế rủi ro, sản phẩm có thị trường tiêu thụ. Nhưng đáng tiếc là cả nước hiện chỉ có 3 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá biển quy mô công nghiệp tại Bình Định, Phú Yên (nuôi cá giò), Khánh Hòa (nuôi cá giò và cá chim vây vàng), sản lượng thu hoạch chủ yếu xuất khẩu.

Tất cả những gì đã làm được là rất nhỏ so với tiềm năng và nhu cầu của cuộc sống. Tiềm năng và lợi thế nuôi biển ở Việt Nam là rất lớn nhưng chưa khai thác được bao nhiêu. Thực ra lâu nay chúng ta cơ bản vẫn là nuôi ven bờ, chưa vươn ra được xa, nuôi biển chưa thực sự trở thành ngành kinh tế có vị trí đáng kể trong kinh tế biển. Nghề nuôi biển Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, trình độ còn thấp, manh mún, tự phát và đang bộc lộ nhiều bất cập từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ, từ con giống đến thức ăn, từ công nghệ đến thiết bị. Để thực sự là một ngành công-nông nghiệp mới, nuôi biển Việt Nam phải đi tiếp một chặng rất dài ở phía trước.

Không thể không nuôi biển. Đó là nhận thức chung của thế giới.

Hiện nay, trước sức ép dân số ngày càng tăng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt đã thúc đẩy xu hướng tăng cường khai thác tài nguyên biển. Đáng tiếc là con người đã và đang khai thác theo những phương thức thiếu bền vững làm cho biển ngày càng bị ô nhiễm nặng nề và cạn kiệt tài nguyên đến mức báo động. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và các tổ chức quốc tế thì hiện khoảng hơn 80% lượng cá toàn cầu đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức (overexploited) hoặc bị khai thác cạn kiệt (depleted), nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt... Hệ sinh thái biển đang bị tàn phá, 30%-60% cỏ biển và 70% rừng ngập mặn, 11% rạn san hô của thế giới đã bị phá hủy từ năm 1998. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, riêng ở Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn khác đang trong tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng. Một con số không thể không gây ấn tượng với bất cứ ai quan tâm đến biển, đó là chúng ta đang đánh bắt một số lượng gấp 2,5 lần sản lượng hải sản thiên nhiên tái tạo. Với mức độ khai thác kiểu tận thu này, biển không cạn kiệt mới là điều lạ(!)

Ở Việt Nam, tình trạng này cũng là một điển hình. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng nói: “Cả nước có hơn 110.000 tàu cá, hàng triệu lao động... Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ khai thác sang phát triển nuôi biển, để giữ tài nguyên cho đời sau”.

Để bù đắp lượng cá bị hao hụt đó, không thể không nuôi biển để cung cấp thực phẩm cho xã hội. Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) thì hiện tại hoạt động nuôi trồng đang cung cấp gần 52% sản lượng thủy sản toàn cầu và dự đoán sẽ tăng lên đến 62% vào năm 2030.

Nuôi biển cũng là giải pháp quan trọng nhằm giảm tình trạng ô nhiễm cho biển. Đặc biệt, đối với Việt Nam, trong bối cảnh an ninh Biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, thì nuôi biển, nhất là nuôi biển khơi, nuôi biển đại dương càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể nuôi biển ở hầu khắp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, ở khu vực Trường Sa, ở vùng biển miền Trung, Tây Nam… Mỗi trại nuôi biển có thể được ví như một chốt tiền tiêu trên biển để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

Trong tổng thể kinh tế biển, cùng xu thế chung của thế giới, nuôi trồng biển công nghiệp Việt Nam phải trở thành một ngành kinh tế mới và phát triển theo hướng hiện đại, tích hợp được nhiều nhất những tiến bộ khoa học công nghệ của làn sóng công nghiệp 4.0.

Một quốc gia biển trong thời đại ngày nay, thiết nghĩ, không chỉ còn giới hạn ở các yếu tố cốt lõi như quan niệm của Alfred Thayer Mahan hồi thế kỷ 19, không chỉ có tiềm lực quốc phòng biển mạnh, có đội tàu vận tải và đánh cá biển lớn, có nền công nghiệp tàu biển, chế biến hải sản hiện đại… mà còn phải biết khai thác biển một cách văn minh, bền vững, không chỉ “săn bắt và hái lượm” từ biển mà phải có một ngành công nghiệp nuôi biển. Trong tương lai, biển là “cánh đồng” lớn nhất còn lại trên hành tinh và nuôi trồng biển là ngành kinh tế công-nông nghiệp lớn nhất để nuôi sống nhân loại.

Nuôi biển sẽ là một chỉ số quan trọng hàng đầu của một quốc gia biển.

PHAN VĂN THẮNG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huong-di-nao-cho-nganh-nuoi-bien-viet-nam-593047