Hướng đi nào giúp cà phê Việt phát triển bền vững?
Theo nhận định của chuyên gia, nửa năm trở lại đây, giá cà phê nội địa liên tục tạo thêm nhiều đỉnh mới và neo trên 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng duy trì giá cao trong thời gian tới khá bấp bênh khi các yếu tố hỗ trợ đều là khách quan. Về dài hạn, định hướng nâng cao giá trị ngành cà phê thông qua việc tăng tỷ trọng cà phê qua chế biến và phát triển cà phê đặc sản sẽ là con đường 'tất yếu' cho sự bền vững của ngành.
Giá cà phê tăng cao do lo ngại sản lượng giảm mạnh
Khoảng 2 năm trước, nhiều người nông dân Việt Nam vẫn còn mơ ước về việc bán cà phê với mức giá 50.000 đồng/kg. Nhưng vào vụ thu hoạch, nguồn cung mới dồi dào bị thương lái “ép giá”, nhiều nhà vườn buộc phải chấp nhận bán hạt cà phê với giá dưới 30.000 đồng/kg. Giá bán thấp trong khi chi phí đầu tư cao khiến nhiều nhà vườn từ bỏ canh tác để chuyển sang các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích trồng cũng như sản lượng cà phê giảm trong nhiều năm trở lại đây.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia
Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào marketing và xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, nhằm khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam
Mọi thứ đã thay đổi kể từ đầu năm 2023 khi giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) và giá cà phê nhân xô tại Việt Nam đã liên tục tăng cao và phá vỡ nhiều mức giá kỷ lục quan trọng. Thậm chí, bước sang năm nay, theo thống kê từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê trong nước đạt 134.400 đồng/kg vào ngày 30/4, là mức giá cao nhất trong lịch sử tính tới thời điểm hiện nay. Giá cà phê Robusta trên Sở ICE-EU thì liên tục tạo ra những kỷ lục mới, điển hình là mức giá tiệm cận 5.500 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 16/9. Hiện tại, giá cà phê của Việt Nam dù không ở đỉnh lịch sử nhưng vẫn duy trì mức giá trên 120.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với trung bình các năm trước đó.
Nguồn cung giảm là một trong những nguyên nhân chủ chốt đã dẫn dắt giá tăng trong gần 2 năm qua. Đặc biệt tại Việt Nam, nông dân từ bỏ cà phê để trồng sầu riêng, chanh leo… cùng khô hạn kéo dài đầu năm 2024 do ảnh hưởng từ mô hình thời tiết El Nino khiến sản lượng giảm liên tục trong 4 năm gần đây, kéo theo xuất khẩu đi xuống. Hơn thế, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nguồn cung trong nước giảm ảnh hưởng trực tiếp lên khả năng đảm bảo cân bằng cung - cầu thế giới. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước tính, toàn cầu thâm hụt khoảng 4,9 triệu bao cà phê (loại 60kg) trong niên vụ 2022 - 2023.
Nhận định về diễn biến giá cà phê, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc MXV cho biết, các yếu tố thúc đẩy giá cà phê liên tiếp tăng mạnh trong thời gian qua đều mang tính khách quan và thiếu bền vững. Cho nên sẽ khó giúp giá duy trì mức cao trong dài hạn. Thị trường cà phê đang ở bước đầu tạo nền móng mới và để duy trì, phát triển về lâu dài vẫn cần các yếu tố mang tính chủ động và dẫn dắt hơn.
Giải pháp cho ngành cà phê Việt
Về lâu dài, phát triển của ngành cà phê Việt theo hướng bền vững vẫn cần dựa trên cơ sở vững chắc và tuân thủ định hướng phát triển ngành của Nhà nước. Trong Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, với quan điểm phát triển cà phê đặc sản đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, giá trị gia tăng và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị, thị trường đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 5.000 tấn; giai đoạn 2026 - 2030 diện tích đạt 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 11.000 tấn. Đồng thời, đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đặt ra mục tiêu duy trì diện tích cà phê cả nước khoảng 640.000 - 660.000 ha; sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20 - 25% tổng sản lượng cà phê cả nước.
Kết hợp giữa định hướng dài hạn và bối cảnh hiện tại, mức giá neo cao chính là một lợi thế quan trọng cần tận dụng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ xuất khẩu thô qua các dòng cà phê đã qua chế biến.
“Tập trung phát triển ngành cà phê Việt Nam đi vào chiều sâu, gắn với ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Điều này cũng tạo cơ hội để lợi nhuận được phân bổ đồng đều giữa các đối tượng tham gia trong toàn chuỗi, từ đó tạo nên lợi ích đồng đều, giúp níu giữ và thúc đẩy các đối tượng cùng phát triển vì sự bền vững ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD” - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), ngành cà phê Việt Nam với vị thế là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt 6 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong tương lai. Mục tiêu này không chỉ là kết quả của những nỗ lực tăng cường sản xuất mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và cải thiện chất lượng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược, từ cải thiện chất lượng cà phê đến tăng cường công nghệ và phát triển bền vững.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê thô, dẫn đến giá trị chưa tương xứng với tiềm năng. Để giải quyết vấn đề này, ngành cà phê cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, phát triển các dòng cà phê đặc sản và phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn. Việc cải thiện chất lượng cà phê không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ tại các quốc gia yêu cầu cao về chất lượng như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 9/2024 đạt hơn 87 triệu USD
Theo VICOFA, trong nửa đầu tháng 9/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 17.305 tấn, mang về hơn 87 triệu USD, giảm 18% về khối lượng nhưng tăng 55,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cà phê Robusta chiếm phần lớn với 15.155 tấn, mang về 76,583 triệu USD, đơn giá xuất khẩu trung bình đạt 5.053 USD/tấn. Còn Arabica xuất khẩu 1.129 tấn, kim ngạch đạt 4,705 triệu USD, với mức giá trung bình 4.166 USD/tấn. Như vậy, giá cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam đã vượt giá Arabica tới 887 USD/tấn - mức chênh lệch kỷ lục.
Lần đầu tiên ghi nhận sự kiện giá Robusta vượt Arabica là vào tháng 5/2024, khi khoảng cách chỉ là 32 USD/tấn. Tuy nhiên, sự chênh lệch ngày càng mở rộng khi Robusta tăng giá mạnh hơn do nhiều yếu tố tác động đến cung và cầu trên thị trường.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng tăng giá là do cà phê Robusta ngày càng trở nên phổ biến hơn trên thị trường quốc tế. Nhiều nhà rang xay trên thế giới, trước tác động của chi phí nguyên liệu, đã tăng tỷ lệ sử dụng cà phê Robusta để thay thế Arabica. Đồ uống hòa tan và cà phê espresso, vốn sử dụng nhiều Robusta, cũng ngày càng trở nên phổ biến. Việc sử dụng Robusta tăng đã khiến nhu cầu bùng nổ, đẩy giá loại cà phê này lên mức cao kỷ lục. Cùng với nhu cầu tăng cao, nguồn cung cà phê Robusta bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các nước sản xuất lớn, đặc biệt là Việt Nam.