Hướng dòng kiều hối vào đầu tư và phục vụ đời sống

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng về việc thúc đẩy thu hút và sử dụng nguồn lực có hiệu quả trong phát triển đất nước.

TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề án thu hút kiều hối giai đoạn 2025-2030, ông có thể cho biết mục tiêu chính yếu của bản Đề án này?

TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề án thu hút kiều hối giai đoạn 2025-2030, ông có thể cho biết mục tiêu chính yếu của bản Đề án này?

Nội dung Đề án tập trung chủ yếu vào phát huy vai trò của kiều hối, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực này vừa được Ban thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thông qua, ghi nhận và đánh giá. Điều quan trọng tiếp theo là tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ. Theo tôi, nhiệm vụ truyền thông là một trong những hoạt động quan trọng góp phần đưa các giải pháp của Đề án đi vào thực tiễn cuộc sống.

Trước hết, để thấy được vai trò của kiều hối là “nguồn lực vàng” đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng, cần nhận biết kiều hối là nguồn tiền của kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển về gửi tặng thân nhân trong nước. Nguồn lực này khác biệt và có ưu điểm vượt trội so với các nguồn vốn khác. Nếu là nguồn vốn vay, vốn đầu tư nước ngoài… người nhận phải tuân thủ điều kiện vay vốn, nguyên tắc hoàn trả và áp lực trả nợ… thì kiều hối không chịu những tác động và yêu cầu này.

Vì vậy, sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân, hộ gia đình mà còn tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc định hướng, hỗ trợ người dân có những lựa chọn và quyết định sử dụng nguồn tiền này vào chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư hay đưa vào sản xuất kinh doanh… như thế nào rất quan trọng. Tất cả các bên liên quan như kiều bào, người nhận và các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế thực hiện chi trả kiều hối phải thực hiện đúng quy định quản lý ngoại hối. Điều này không chỉ thúc đẩy mục tiêu thu hút kiều hối mà còn tạo tính công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ kiều hối, tạo niềm tin cho kiều bào và người dân trong phát triển hoạt động này.

Theo ông giải pháp nào thu hút kiều hối tăng bền vững?

Theo ông giải pháp nào thu hút kiều hối tăng bền vững?

Nếu phân tích đánh giá những yếu tố tác động đến kiều hối và lượng kiều hối chuyển về qua từng năm có thể thấy: các yếu tố kinh tế, lao động việc làm và thu nhập… là các yếu tố mang tính khách quan và có tác động trực tiếp.

Do đó, để thu hút bền vững nguồn lực kiều hối, Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ du lịch trong nước hấp dẫn kiều bào; cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và sử dụng công cụ tài chính như: trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa… để mang lại hiệu quả lớn hơn sẽ là giải pháp có ý nghĩa chiến lược. Điều này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thành phố như: kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn hoạt động du lịch, dịch vụ vào các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư, phát triển mô hình tài chính vi mô đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân - khu vực hiện đang thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn kiều hối chuyển về.

Ông có thể nói rõ hơn về các mô hình tài chính vi mô trong hoạt động thu hút và sử dụng kiều hối?

Ở góc độ này, tiếp cận theo hướng nguồn gốc kiều hối chuyển về và người nhận kiều hối, người thụ hưởng, đặc biệt là từ bộ phận người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình, thân nhân tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Việc phát triển mô hình tài chính toàn diện, với việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức như: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm. Trong đó làm tốt hoạt động tư vấn, thông tin tuyên truyền để người thụ hưởng hiểu rõ về vai trò của tài chính toàn diện như tiết kiệm, vay vốn và dịch vụ bảo hiểm… sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối. Chúng ta có thể phổ biến, định hướng người dân sử dụng kiều hối để tiết kiệm, tích lũy; hoặc sửa chữa và xây mới nhà ở; hoặc sản xuất kinh doanh; hoặc vay vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, chi trả trước chi phí cho các nhu cầu phục vụ đời sống và được trả nợ bằng nguồn kiều hối gửi về… rất linh hoạt và hiệu quả. Những cách làm đó đã và đang phản ánh hiệu quả phát triển của mô hình tài chính toàn diện, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hải Nam

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/huong-dong-kieu-hoi-vao-dau-tu-va-phuc-vu-doi-song-153855.html