Hướng Hóa chủ động ứng phó với thiên tai

Địa bàn huyện Hướng Hóa có đặc thù lượng mưa hằng năm lớn, tập trung cùng thời điểm, kết hợp với địa hình đồi núi dốc, chia cắt theo 2 sườn Đông và Tây Trường Sơn... Do vậy, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa theo 3 giai đoạn 'phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả'.

Các ngầm tràn ở Hướng Hóa là địa điểm thường xuyên bị ngập sâu, gây chia cắt trong mùa mưa bão -Ảnh: L.A

Các ngầm tràn ở Hướng Hóa là địa điểm thường xuyên bị ngập sâu, gây chia cắt trong mùa mưa bão -Ảnh: L.A

Là địa phương vùng biên nằm dọc theo sông Sê Pôn, xã Tân Long có địa hình đồi núi khá rộng, độ dốc khá cao và bị chia cắt bởi nhiều khe suối tự nhiên như suối La La, suối Ồ ồ. Trong đó, khu vực ở xã thường xuyên xảy ra lũ, ngập lụt là các thôn: Long Thành, Long Quy, Yên Thuận, Long Giang, Long An, Long Phụng và địa hình dọc theo sông Sê Pôn; khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất là các thôn Long Phụng, Xi Núc, Làng Vây.

Bên cạnh đó còn có các tuyến đường thường bị ngập lụt như dọc các điểm trục Quốc lộ 9 thuộc thôn Long An, đường Lìa thôn Long Hợp và Long Thành, các tuyến đường liên thôn ở thôn Long Phụng đi thôn Xi Núc. Do vậy, cùng với tăng cường tuyên truyền đến người dân về công tác phòng, chống thiên tai, khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đề phòng mưa lũ kéo dài, UBND xã Tân Long đã chủ động lên kế hoạch ứng phó chi tiết, chủ động, an toàn và có tính khả thi, nhất là phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Triệu Chung cho biết, hằng năm UBND xã đều kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), phân công công việc cụ thể cho từng thành viên và các lực lượng sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cụ thể, lực lượng sẵn sàng PCTT tại chỗ chủ yếu là dân quân, đoàn viên, thanh niên và người dân của các thôn; mỗi thôn biên chế một tổ từ 8 - 12 người do thành viên ban chỉ huy PCTT&TKCN xã được phân công phụ trách địa bàn thôn làm tổ trưởng. Lực lượng ứng cứu gồm dân quân các thôn Long Phụng, Long Quy, Long Giang và các lực lượng bộ đội biên phòng, cán bộ xã.

Lực lượng cơ động làm nhiệm vụ PCTT&TKCN là trung đội dân quân cơ động của xã; lực lượng bảo vệ gồm công an xã, công an viên các thôn. Chỉ đạo các thôn trong khu vực ngập lụt chuẩn bị từ 7 - 10 chiếc thuyền; các gia đình vùng ngập lụt chuẩn bị phao cứu sinh và dây để chủ động tự ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Xã Lìa có địa hình đồi núi, sườn dốc, nhiều khe suối bao bọc. Đặc biệt, xã có các khu dân cư tách biệt nhau bằng cầu ngầm, có khe suối đổ ra sông Sê Pôn, có hồ Lìa chảy qua nên mức nước sông, suối dâng cao với cường suất lớn gây ngập lụt, tạo dòng chảy nguy hiểm trên diện rộng làm chia cắt các thôn bản, tuyến đường giao thông, gây ùn tắc giao thông, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của Nhân dân, khó khăn cho lực lượng cứu nạn tiếp cận.

Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Chung thông tin, trước khi vào mùa mưa bão, ban chỉ huy PCTT&TKCN xã chỉ đạo các thôn, bản vận động người dân dự trữ lương thực, nước sạch đảm bảo đủ 10 ngày; xây dựng lực lượng xung kích PCTT&TKCN của từng thôn với quân số từ 10 - 12 người; đăng ký, quản lý thuyền bè và các phương tiện cứu hộ sẵn có trong Nhân dân để sẵn sàng điều động làm nhiệm vụ. Rà soát và chủ động phương án sơ tán Nhân dân đến nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra.

Huyện Hướng Hóa có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, dốc theo 2 sườn Đông và Tây Trường Sơn. Lượng mưa hằng năm lớn với khoảng 1.850 mm. Trong đó, tổng lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 11 chiếm 88% lượng mưa cả năm. Đồi núi dốc, lượng mưa lớn, tập trung cùng thời điểm trong năm là nguyên nhân khiến các dãy núi dễ bị đứt gãy gây ra sạt lở.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông thiếu đồng bộ khiến việc tiếp cận khu vực xảy ra sạt lở gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT, toàn bộ 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có nguy cơ xảy ra sạt lở. Trong đó, 120 hộ với trên 400 nhân khẩu luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ suối; trên 950 hộ, trên 4.000 nhân khẩu thường xuyên bị đe dọa bởi lũ quét; gần 600 hộ, trên 2.600 nhân khẩu sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất; gần 2.700 hộ, trên 12.500 nhân khẩu nằm trong vùng thường xuyên bị chia cắt, ngập sâu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho hay, là địa phương vùng cao, người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, kiến thức PCTT còn hạn chế, khi xảy ra thiên tai sẽ gây thiệt hại khó lường. Do vậy, đối với Hướng Hóa, việc chủ động phòng ngừa từ trước các tình huống rủi ro thiên tai là rất cần thiết.

Cụ thể, tại hầu hết các tuyến xung yếu đều đã được lắp đặt biển cảnh báo thiên tai. Một số xã như Hướng Lập, Thanh, Pa Tầng được lắp đặt camera giám sát thiên tai. Thông qua các chương trình hỗ trợ, các tổ chức phi chính phủ, hiện nay, trang thiết bị và công tác tập huấn phòng chống thiên tai được trang bị thường xuyên.

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm trước, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả, huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn xây dựng và triển khai nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2024 theo 3 giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”, bám sát phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng kịch bản và tiến hành diễn tập PCTT&TKCN, đặc biệt là các phương án sơ tán người dân, bảo vệ nhà cửa, công sở, trường học..., nhất là trong trường hợp chi viện từ bên ngoài không kịp thời.

Tiến hành rà soát tất cả các điểm nguy cơ, phân chia rõ những điểm có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng. Từ đó lên kế hoạch, xây dựng phương án cụ thể cho từng điểm và chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực bám nắm địa bàn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin cảnh báo theo chiều từ huyện xuống các xã, thị trấn và các thôn, bản. Huyện cũng rà soát, kiện toàn bộ máy ban chỉ huy PCTT&TKCN, phân công rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; kiện toàn lực lượng xung kích PCTT.

Chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình, nhà cửa để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, hoàn thành trước mùa mưa bão. Có phương án khơi thông các sông suối, ngầm tràn không để xảy ra tắc nghẽn dòng chảy tạo ra lũ quét đột ngột. Song song với đó, huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn huyện để từ đó có phương án xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn khi có mưa, lũ, bão xảy ra.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/huong-hoa-chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-188255.htm