Hướng Hóa tập trung nguồn lực khai thác tốt tiềm năng du lịch
* Đồng chí LÊ MINH TUẤN, TUV, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa trả lời phỏng vấn
- Hướng Hóa có vị trí đặc biệt, nằm ở tuyến Quốc lộ 9, giao điểm đầu cầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nối liền Việt Nam - Lào và các nước trong khu vực; có hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, trong đó có các di tích đặc biệt quan trọng như: Đường Hồ Chí Minh, Đường 9 - Khe Sanh, nhà đày Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, Làng Vây…; có bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều; có nhiều danh lam thắng cảnh gắn với lịch sử như đồi Động Tri, đèo Sa Mù, động Brai, thác Ồ Ồ... Đây là điều kiện thuận lợi để huyện tận dụng lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ du lịch.
Những năm qua, ngành Du lịch Hướng Hóa đã có bước phát triển đáng kể. Công tác định hướng, quy hoạch tổng thể, chi tiết, quy hoạch nhánh đã được quan tâm xây dựng làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển du lịch đúng hướng và bền vững. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, đặc biệt huyện tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng cơ sở lưu trú được duy trì, cải tạo và nâng cấp, đảm bảo phục vụ khách du lịch. Hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao. Các di tích lịch sử cấp quốc gia được tôn tạo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Công tác xúc tiến du lịch được chú trọng, đặc biệt là các hoạt động quảng bá, như: Hội chợ “Thương mại - Du lịch”; tham gia quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương tại các sự kiện trong và ngoài nước, xúc tiến quảng bá du lịch trên kênh thông tin đại chúng từ địa phương đến trung ương.
Các danh lam thắng cảnh ở Hướng Hóa đa phần còn nguyên sơ, hùng vĩ nên thu hút sự chú ý của du khách, đặc biệt là các hang động mới được phát hiện, như động Brai, động Kulum. Lợi thế này kết hợp với tiềm năng du lịch lịch sử gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến với Hướng Hóa. Trong năm 2019, thông qua các mô hình như đường hoa dã quỳ ở Hướng Phùng, trồng hoa công nghệ cao ở đèo Sa Mù, vườn hoa Miền Viên Thảo ở Khe Sanh… đã góp phần phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Do đó, năm 2018 và năm 2019 khách du lịch đến Hướng Hóa tăng, tỉ lệ bình quân lượt khách du lịch hằng năm tăng khoảng từ 10- 16%, tương đương trên 30.000 lượt khách, trong đó khách du lịch nước ngoài khoảng 14.000 lượt. Thông qua hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và có đóng góp vào nguồn thu ngân sách ở địa phương.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch ở Hướng Hóa còn không ít tồn tại, hạn chế. Vậy huyện đã đặt ra giải pháp khắc phục, mục tiêu phấn đấu để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai như thế nào, thưa đồng chí?
- Những tồn tại, hạn chế của hoạt động du lịch ở Hướng Hóa hiện nay là chưa thu hút được các nhà doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Các di tích lịch sử một số nơi xuống cấp, chưa được tôn tạo. Chưa khai thác có hiệu quả du lịch lịch sử, văn hóa để xây dựng thành tour, tuyến du lịch đặc thù của địa phương. Các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, có sức hấp dẫn còn thiếu. Chất lượng các dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu... Trước thực trạng đó, huyện đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/ TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU, ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, huyện tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 đưa Hướng Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Quảng Trị; đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Tập trung xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác quảng bá, đồng thời có chính sách hỗ trợ và khuyến khích hợp lí nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch của địa phương. Phát triển thương hiệu du lịch Hướng Hóa với chủ đề phù hợp.
- Để đạt được mục tiêu nói trên, đề nghị đồng chí cho biết huyện tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì?
- Để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, huyện tập trung đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập; khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù, khác biệt của địa phương. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đề nghị cấp trên xem xét, phê duyệt quy hoạch các điểm du lịch trên địa bàn huyện, xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch của địa phương. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch khai thác các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm theo từng khu vực, cụ thể như sau: Khu vực Khe Sanh - Tân Hợp: Khai thác thế mạnh du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, trong đó điểm nhấn là Khu văn hóa tâm linh huyện Hướng Hóa, Nhà văn hóa Vân Kiều - Pa Kô gắn với địa danh đồi Cù Bốc. Khai thác du lịch sinh thái tại hồ Khe Sanh. Xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành điểm du lịch cộng đồng tại suối Tà Đủ, liên kết xây dựng điểm du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái tại quần thể chùa Lương Lễ, xã Tân Hợp. Khu vực Bắc Hướng Hóa đẩy mạnh phát triển thế mạnh về du lịch lịch sử, điểm nhấn là sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri.
Xây dựng, phát triển khu du lịch sinh thái tại một số địa điểm thích hợp như: Đèo Sa Mù (Hướng Lập), thác Chênh Vênh (Hướng Phùng), thác Tà Puồng (Hướng Việt), lòng hồ thủy điện Quảng Trị, điện gió Hướng Linh, điện gió Hướng Phùng... Xây dựng điểm, tuyến du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô gắn với các danh thắng như du lịch cộng đồng tại thôn Chênh Vênh (Hướng Phùng). Định hướng quy hoạch phát triển du lịch khám phá tại các điểm còn nguyên nét hoang sơ, kì vĩ, như: Hang động Brai (Hướng Lập), hang động Kulum (Hướng Việt), đỉnh Voi Mẹp, đèo Sa Mù... Khu vực Lao Bảo - Nam Hướng Hóa đẩy mạnh phát triển thế mạnh về du lịch lịch sử, điểm nhấn là di tích nhà đày Lao Bảo. Xây dựng các giải pháp khôi phục thương hiệu du lịch mua sắm đối với Khu kinh tế thương mại Lao Bảo gắn với việc phát triển kinh tế địa phương. Xây dựng, phát triển khu du lịch sinh thái tại một số địa điểm thích hợp, như thác Ồ Ồ, suối La La (Tân Long).
Xây dựng sản phẩm du lịch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như sản phẩm du lịch sinh thái; sản phẩm du lịch văn hóa- lịch sử; sản phẩm du lịch cộng đồng - làng nghề. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tập trung huy động nguồn vốn, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch, đồng thời tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của đoàn thể và nhân dân trong hoạt động du lịch; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước về du lịch cấp huyện; bố trí, sắp xếp biên chế phụ trách lĩnh vực du lịch.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Kô Kăn Sương (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145811