Hưởng lợi đáng kể từ 'đòn bẩy' chính sách hỗ trợ và cải cách môi trường pháp lý
Trên cơ sở phân tích, đánh giá sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng như các yếu tố khách quan tác động trong thời gian tới, báo cáo của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố cuối tháng 3 mới đây nhận định, các doanh nghiệp (DN) ngành Xây dựng sẽ hưởng lợi đáng kể từ những tác động của đòn bẩy chính sách hỗ trợ và cải cách môi trường pháp lý.

Mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiết giảm chi phí tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án triển khai nhanh hơn
Đánh giá về tác động của môi trường pháp lý đến sự phục hồi của thị trường bất động sản và cơ hội hưởng lợi của DN ngành Xây dựng, báo cáo của Vietnam Report cho rằng, năm 2025 được kỳ vọng là thời điểm thẩm thấu của 3 Luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi (có hiệu lực sớm từ tháng 8/2024), qua đó tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý, tạo điều kiện cho các dự án bất động sản triển khai nhanh hơn, kéo theo nhu cầu xây dựng gia tăng.
“Dù phân khúc cao cấp có thể tăng trưởng chậm do sức cầu còn hạn chế, mảng xây dựng nhà ở dự kiến sẽ có tăng trưởng trong năm 2025, đặc biệt ở phân khúc nhà ở xã hội và trung cấp. Ngoài ra, Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội sẽ mở ra cơ chế linh hoạt hơn, tận dụng các khu đất chưa được sử dụng hiệu quả, tạo ra một làn sóng đầu tư mới, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xây dựng sẽ có thêm nhiều hợp đồng thi công”, báo cáo của Vietnam Report phân tích.
Cũng theo Vietnam Report, thông qua những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp đã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng trong việc huy động vốn, mở rộng hoạt động và đầu tư công nghệ. Yếu tố này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp xây dựng thường phụ thuộc vào nguồn vốn vay để triển khai các dự án quy mô lớn. Do đó, lãi suất giảm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiết giảm chi phí tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đáng chú ý, báo cáo phân tích của Vietnam Report cũng nhấn mạnh yếu tố sức mạnh tổng hợp từ hợp nhất bộ, ngành khi cho rằng, việc hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải là một bước đi chiến lược. Theo đó, nếu như trước đây, nhiều dự án xây dựng lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông thường chịu sự quản lý từ cả hai Bộ, dẫn đến chồng chéo trong phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng và triển khai dự án. Tuy nhiên, việc hợp nhất giúp thống nhất đầu mối quản lý, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tối ưu hóa đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hạ tầng lớn được triển khai nhanh chóng và đồng bộ.
“Lấy ví dụ, một dự án đường cao tốc đô thị không chỉ liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị và phát triển bất động sản xung quanh. Khi có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm từ quy hoạch đến triển khai, các doanh nghiệp xây dựng có thể tiếp cận và thực hiện dự án nhanh hơn, tránh những vướng mắc về pháp lý”, Vietnam Report nêu dẫn chứng.
Chưa kể, theo báo cáo này, sự hợp nhất này còn tạo điều kiện cho việc thống nhất các định mức, đơn giá, quản lý đầu tư xây dựng, tránh tình trạng phải xin ý kiến giữa hai Bộ. Ngoài ra, sự đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và phát triển giao thông sẽ được nâng cao, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Đặc biệt, với các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn và phức tạp, sự thống nhất trong quản lý giúp đảm bảo chất lượng, tiến độ và giảm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, đô thị mở rộng đến đó, kéo theo sự tăng trưởng của khu công nghiệp, trung tâm thương mại và dịch vụ, tạo ra chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Doanh nghiệp cần tập trung quản trị rủi ro tài chính, giải quyết rốt ráo nợ đọng
Phân tích thêm các yếu tố tác động đến các doanh nghiệp ngành Xây dựng như củng cố sức mạnh nhân lực, đổi mới cải tiến nâng cao công nghệ, kiến tạo giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh...,Vietnam Report cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản trị rủi ro – giải quyết vấn đề nợ đọng. Bởi theo đánh giá, Xây dựng là ngành có mức độ rủi ro cao, trong đó, quản trị rủi ro về mặt tài chính đang là một yếu tố cốt lõi duy trì sức khỏe của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy 84,6% số doanh nghiệp dự kiến mức độ đầu tư công nghệ dự kiến trong năm 2025 tăng so với năm 2024. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, thay vì chỉ tập trung chạy đua bằng cách hạ giá bất chấp, doanh nghiệp phải tái tạo sức cạnh tranh mới từ công nghệ, tìm cách nâng cao giá trị cho khách hàng.
Dẫn kết quả khảo sát, Vietnam Report cho biết, mặc dù có giảm so với năm trước song tỷ lệ doanh nghiệp chia sẻ gặp khó khăn về vốn lưu động vẫn đạt 42,3%. Nợ đọng xây dựng, bị “câu giờ” trong thanh toán vẫn là vấn nạn đối với các nhà thầu.
Do đó, để quản lý rủi ro nợ đọng, duy trì hoạt động và đảm bảo dòng tiền trong trường hợp bị chậm thanh toán, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cần áp dụng nhiều biện pháp.
Thứ nhất, thẩm định kỹ lưỡng năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp nên yêu cầu các báo cáo tài chính gần nhất, kiểm tra lịch sử thanh toán và đánh giá uy tín của đối tác thông qua các nguồn thông tin đáng tin cậy. Đây là cơ sở để các nhà thầu lựa chọn đối tác liên danh hoặc quyết định có làm nhà thầu phụ, nhà thầu thuê khoán, hợp tác cung cấp vật liệu, nhận khoán công hay không nhằm hạn chế rủi ro phát sinh từ nợ đọng, giảm thiểu nguy cơ hợp tác với những đơn vị có khả năng chậm thanh toán hoặc mất khả năng chi trả.
Thứ hai, xây dựng các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, minh bạch, đặc biệt là về thời hạn thanh toán, phạt chậm trả và cơ chế bảo lãnh thanh toán. Ví dụ, có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thư cam kết thanh toán từ ngân hàng hoặc áp dụng cơ chế thanh toán theo tiến độ công việc (milestone payment) thay vì chờ đến khi hoàn thành toàn bộ dự án.
Thứ ba, cần đa dạng hóa nguồn vốn và thiết lập quỹ dự phòng tài chính. Việc tận dụng các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hoặc hợp tác với các tổ chức tài chính để có hạn mức tín dụng linh hoạt, sẽ là giải pháp hữu hiệu trong tình huống khẩn cấp, duy trì hoạt động khi dòng tiền bị gián đoạn Đồng thời, quỹ dự phòng nên được trích lập từ lợi nhuận trong các giai đoạn kinh doanh thuận lợi, đảm bảo khả năng chi trả chi phí vận hành và lương nhân sự khi thanh toán bị trì hoãn.
Thứ tư, các DN cần tối ưu hóa quy trình nội bộ về quản lý dòng tiền, bao gồm kiểm soát chặt chẽ chi phí thi công, giảm thiểu lãng phí và có các phương án đàm phán với nhà cung cấp để gia hạn thời gian thanh toán nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ như phần mềm quản lý tài chính và dự báo dòng tiền có thể giúp doanh nghiệp nhận diện sớm các rủi ro và đưa ra quyết định kịp thời. Kết hợp các biện pháp này, doanh nghiệp xây dựng không chỉ vượt qua được khó khăn do nợ đọng mà còn duy trì sự ổn định và phát triển bền vững trong dài hạn.