Hưởng lợi từ giao dịch ngân hàng, 'ông Vua' thị trường chuyển mạch tài chính NAPAS 'bỏ túi' tiền tỷ mỗi ngày
Lợi nhuận của NAPAS năm 2017 ghi nhận mức hơn 200 tỷ đồng. Con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2018 và gấp gần 5 lần vào năm 2021, đạt gần 980 tỷ đồng. Tính trung bình trong năm 2021, mỗi ngày NAPAS 'bỏ túi' hơn 2,6 tỷ đồng.
"Ông Vua" trên thị trường chuyển mạch tài chính
Những năm trở lại đây, việc thanh toán không sử dụng tiền mặt đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và trở thành một thói quen mới với người dân Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu đó, rất nhiều các công ty Fintech đã ra đời.
Một trong những cái tên nổi bật nhất là Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.
Theo thông tin được công bố, NAPAS ra đời dựa trên cơ sở sát nhập hai đơn vị Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink và công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) để xây dựng nên Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất. Cổ đông chính của NAPAS gồm Ngân hàng Nhà nước (nắm 49%) và hàng chục Ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.
Theo những số liệu hiếm hoi được tiết lộ rộng rãi, tính đến năm 2016, NAPAS đã quản trị và vận hành chuyển mạch kết nối hệ thống mạng lưới 18.600 máy rút tiền ATM, 261 nghìn máy POS thanh toán và trên 100 triệu thẻ ngân hàng thuộc 48 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Đồng thời, NAPAS cũng cung cấp dịch vụ cổng thanh toán điện tử kết nối các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực viễn thông, khách sạn, hàng không, du lịch hay các đơn vị cung cấp dịch vụ công như thanh toán điện, nước,.. và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử hữu ích sử dụng trong đời sống thường ngày.
NAPAS "bỏ túi" tiền tỷ mỗi ngày
Được "ưu ái" trong thị trường kinh doanh chuyển mạch tài chính, NAPAS đã bỏ xa các ứng dụng fintech khác ở thời điểm hiện tại...
Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm từ năm 2017 đến 2021, doanh thu của NAPAS tăng gấp gần 4 lần, từ 1.160 tỷ lên gần 4.300 tỷ đồng. Cùng chiều, lợi nhuận của NAPAS năm 2017 ghi nhận mức hơn 212 tỷ đồng. Con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2018 và gấp gần 5 lần vào năm 2021, đạt 976 tỷ đồng. Tính trung bình trong năm 2021, mỗi ngày NAPAS "bỏ túi" hơn 2,6 tỷ đồng.
Cùng với tăng trưởng hoạt động kinh doanh, quy mô tổng tài sản của NAPAS cũng liên tục mở rộng. Năm 2017, tổng tài sản của công ty này đạt chưa tới 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 2021, con số này tăng lên hơn 3.400 tỷ đồng.
Nguồn thu của NAPAS chủ yếu đến từ việc thu phí các dịch vụ ngân hàng. Điều này dễ dàng lý giải vì NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử tại Việt Nam. Do đó, số lượng giao dịch qua ngân hàng càng nhiều thì NAPAS càng hưởng lợi.
Báo cáo của NAPAS cho biết, Tính đến 31.12.2021, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.
Bước sang năm 2022 , hoạt động thanh toán điện tử năm 2022 tiếp tục tăng trưởng nhanh với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021. Tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022.
Tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022. Dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR cũng có sự tăng trưởng ấn tượng sau hơn 1 năm ra mắt, thanh toán bằng mã VietQR đã trở thành một trong các hình thức thanh toán phổ biến và được thị trường đón nhận.
Theo NAPAS, trong 3 năm gần đây, từ năm 2020 đến năm 2022, đơn vị này đã thực hiện 7 lần giảm phí chuyển mạch tài chính cho các ngân hàng lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh chính sách miễn giảm phí, trong năm 2022, NAPAS đã triển khai chính sách phí mới áp dụng theo cơ chế bậc thang với mức phi thu trung bình một giao dịch giảm tới 46 % so với chính sách phí cũ. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thành viên đã triển khai miễn, giảm phí giao dịch thanh toán điện tử cho người dùng.