Hướng mới để Bình Phú thoát nghèo

Bình Phú là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa. Việc phát triển kinh tế - xã hội, theo như lời đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Tuyến, là nhiệm vụ 'rất vất vả'. Tuy nhiên, sự vất vả đó lại thúc đẩy nhiều sự biến đổi để Bình Phú có nhiều hướng đi mới trong thoát nghèo, làm giàu.

Giao thông mở lối thoát nghèo

“Đường có thông thì hàng hóa mới lưu thông được. Người dân trồng được quả ngô, quả hồng hay nuôi được con lợn, con trâu dễ bán hơn, giá cũng cao hơn. Từ đó, kinh tế, thu nhập bà con mới tăng lên được” - đó là lời giới thiệu của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú Nguyễn Chí Tuyến khi nói về giải pháp để nhân dân trong xã thoát nghèo.

Xác định giao thông thuận lợi chính là “chìa khóa” bứt phá trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã, trong những năm qua, Đảng ủy xã Bình Phú đã tập trung lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là bê tông hóa các tuyến đường nông thôn. Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường Đèo Cọ (Đường ĐT185), Bí thư Đảng ủy Nguyễn Chí Tuyến phấn khởi khoe: “Làm được con đường này gian nan lắm. Ngoài vận động nhân dân giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công phải đập đá hạ đèo, giờ mới được như này”.

Một trong những cây cầu mới được đầu tư xây dựng tại xã Bình Phú.

Một trong những cây cầu mới được đầu tư xây dựng tại xã Bình Phú.

Đèo Cọ là tuyến đường độc đạo từ xã Bình Phú đi xã Yên Lập. Con đường nhỏ hẹp, dốc cao, nguy hiểm. Đây cũng là một điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, giao thương của xã. Năm 2024, huyện có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường, xã có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, GPMB. Sau nhiều tháng vận động, gần 100 hộ dân đã đồng thuận chặt cây, phá bờ, hiến hàng chục nghìn m2 đất phục vụ công trình thi công. Đến nay, công trình đã xong giai đoạn 1 là 4 km, giai đoạn 2 gồm 7 km hiện đang quá trình hoàn thiện.

Anh Ma Văn Tuyến, thôn Bản Lếch có nhà ở và diện tích đất tuyến đường ĐT185 đi qua. Anh Tuyến chia sẻ: “Gia đình tôi có nhà và đất nằm trong diện phải giải phóng khi tuyến đường mở rộng. Qua tuyên truyền của cán bộ xã, thôn, nắm bắt được chủ trương, lợi ích khi tuyến đường hoàn thiện, tôi rất đồng tình, ủng hộ. Vì thế, dù phải hiến 100 m hay 200 m đất gia đình tôi đều nhất trí. Theo như cán bộ xã đã nói, đường phải đẹp, thì dân mới khá lên được”.

Đây cũng là suy nghĩ chung của tất cả bà con nơi đây, họ đều vì cái chung mà hy sinh lợi ích riêng. “Con đường hoàn thành, các thôn đều mổ lợn ăn mừng” - Bí thư Tuyến cười nói.

Từ năm 2020 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, xã Bình Phú đã được đầu tư, xây dựng 13 tuyến đường bê tông nông thôn với chiều dài gần 20 km, xây dựng 3 cầu trên đường giao thông. Những tuyến đường hoàn thiện đã khắc phục tình trạng chia cắt của địa hình, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho Nhân dân. Qua đó, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú Nguyễn Chí Tuyến (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ xã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các hộ dân hiến đất, giải phóng mặt bằng.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú Nguyễn Chí Tuyến (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ xã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các hộ dân hiến đất, giải phóng mặt bằng.

Nâng cao thu nhập

Cùng với đầu tư hạ tầng thì thu nhập, giảm nghèo ở Bình Phú luôn được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân.Với đặc thù xã đặc biệt khó khăn, địa hình chủ yếu đồi núi, nhiều khe suối, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển 2 cây trồng chủ lực là hồng không hạt và tre mai xanh với tổng diện tích trên 100 ha.

Đồng chí Quan Thị Chiêu, Chủ tịch UBND xã cho biết, đến thời điểm này, toàn xã đã phát triển và nhân rộng diện tích hồng không hạt trên 50 ha, trong đó trên 30 ha diện tích đã cho thu hoạch quả. Bình quân hằng năm, xã xuất trên 14 tấn quả ra thị trường. Hiện, 2 sản phẩm hồng không hạt và măng mai xanh đều đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Triệu Văn Bẩu, thôn Bản Lếch, xã Bình Phú, chia sẻ: Năm 2014, nhà ông được hỗ trợ 6 triệu đồng từ nguồn 135 để mua 200 gốc hồng không hạt về trồng trên toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình. Ưu điểm là cây ít phải chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt nên không phải mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu cũng không quá cao. Hiện nay, 200 gốc hồng là nguồn thu chính của gia đình ông.

Ngoài 2 cây chủ lực, xã Bình Phú còn khuyến khích người dân mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế mới, hiệu quả kinh tế như: liên kết trồng cây bí đao thơm ở thôn Nà Vài, Bản Man, Phú Linh; nuôi cá tầm thôn Bản Khản; chăn nuôi dê thương phẩm thôn Phú Linh, Phú Lâm, Bản Khản và tới đây tiếp tục thực hiện mô hình nuôi bò H’Mông... Các mô hình kinh tế đã và đang góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 35 triệu/người/năm. Hằng năm, tỷ lệ thoát nghèo trên địa bàn xã đều đạt gần 9%, vượt 3% so với kế hoạch đề ra.

Bài ảnh: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/huong-moi-de-binh-phu-thoat-ngheo-194447.html