Hướng nào cho đổi mới mô hình đào tạo giáo viên?

Phân tích thực trạng các mô hình đào tạo giáo viên (GV) ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - đồng thời đưa ra một số đề xuất phát triển mô hình đào tạo GV mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đào tạo giáo viên bộc lộ bất cập

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết: Mô hình đào tạo sư phạm (SP) theo phương thức truyền thống (mô hình tích hợp) ở nước ta có nguồn gốc từ mô hình các trường đào tạo SP ở Liên Xô cũ và Trung Quốc, do nhiều nhà SP, nhà giáo dục hàng đầu của Việt Nam được đào tạo tại các môi trường này.

Đặc trưng tiêu biểu của mô hình tích hợp là “vào SP, ra SP”, với việc giảng dạy tích hợp giữa kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ SP. Mô hình này có ưu điểm là giáo sinh được trang bị trực tiếp những kiến thức, kĩ năng về chuyên môn, nghiệp vụ đúng với những gì mà họ sẽ phải dạy sau khi ra trường. Giáo sinh cũng có điều kiện hình thành “tình yêu nghề nghiệp sớm” ngay từ năm thứ nhất.

Tuy nhiên, mô hình nói trên cũng bộc lộ nhược điểm khi kiến thức luôn gia tăng nhanh chóng và kỹ năng thay đổi khá thường xuyên để phù hợp với những đòi hỏi mới. Thí dụ, hàng năm các địa phương, nhà trường cập nhật, điều chỉnh một tỷ lệ nhất định trong chương trình cho phù hợp với điều kiện mới, xu thế công nghệ mới. Việc đào tạo bám chặt nội dung của chương trình phổ thông, khi chương trình thay đổi sẽ khiến cho nhiều GV khó khăn.

 Trên giảng đường Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Internet

Trên giảng đường Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Internet

Cùng với quá trình hội nhập về kinh tế, giáo dục ĐH cũng mở ra và tiếp nhận những mô hình khác nhau. Đầu những năm 2000, mô hình đào tạo giáo viên trong các trường ĐH đa ngành ở nước ngoài bắt đầu được giới thiệu và du nhập vào Việt Nam. Mô hình này tạm gọi là mô hình tiếp nối a+b.

Đặc trưng nổi bật của mô hình này là “vào ngành a, ra ngành b”. Theo đó, GV được đào tạo ở các “trường giáo dục”

(college of education) trong các trường ĐH đa ngành có các khoa, trường khoa học cơ bản hoặc nhân văn. Nhiều trường ĐH đa ngành lớn trên thế giới đều có các trường đào tạo GV phổ thông trong cơ cấu. Sinh viên muốn được cấp bằng cử nhân giáo dục (để sau có thể đi dạy), cần phải học và tích lũy đủ tín chỉ ở các trường (về Toán, Khoa học hoặc Nhân văn), đồng thời cũng phải học và có đủ tín chỉ về các khoa học giáo dục và rèn luyện nghiệp vụ giảng dạy.

Mô hình này còn được thúc đẩy theo hướng học xong cử nhân một ngành, rồi mới học về khoa học giáo dục nói chung, giáo học pháp nói riêng lấy bằng cử nhân, hoặc “diploma” để đi dạy phổ thông, hay học thẳng lên trình độ thạc sĩ về dạy học. Ưu điểm của mô hình là sinh viên có hiểu biết rất căn bản về kiến thức chuyên môn của môn dạy, đồng thời cũng được trang bị các kĩ năng nghiệp vụ phù hợp, từ đó họ có thể linh hoạt và có sức bật khá tốt trong phát triển, tiếp nhận thêm những kiến thức mới.

Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là nhiều khi tình yêu nghề SP không được định hình rõ và chưa đủ sâu sắc. Bên cạnh đó, đôi khi do sự tách biệt các chủ thể đào tạo, cho nên các khối kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ chưa được gắn kết thực sự nhuần nhuyễn với nhau.

Hiện nay, do yếu tố lịch sử như trên, ở Việt Nam tuyệt đại đa số GV phổ thông được đào tạo theo mô hình “tích hợp”, trong khi chỉ có Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) triển khai theo mô hình nối tiếp a+b.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, hai mô hình đều có ưu và nhược điểm, đều đang phải đối diện với bài toán sinh viên ra trường thiếu kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động liên tục biến đổi.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh

Mô hình đào tạo giáo viên nào là phù hợp?

Dù theo mô hình nào, việc đào tạo GV phổ thông hiện nay, theo GS Nguyễn Quý Thanh, cũng cần cập nhật các xu hướng quốc tế trong cải cách giáo dục và đào tạo GV là chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, theo chuẩn đầu ra. Chính vì vậy, mô hình đào tạo giáo viên cần thay đổi sao cho giáo sinh tăng cường được năng lực hành nghề ngay sau khi ra trường, nhưng đồng thời cũng được trang bị “khả năng học tập suốt đời” chứ không chỉ là “học được cái gì”.

Do đó, mô hình theo hướng “tích hợp”, hay “nối tiếp a+b” thì cũng đều cần tăng thêm thời gian luyện nghề. Khẳng định điều này, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh, việc “luyện nghề” này không phải là thực tập SP theo cách hiểu hiện nay, mà theo đó giáo sinh sẽ phải làm việc gần như một GV thực thụ với mọi chức năng và nhiệm vụ.

Chia sẻ cách làm của Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết: Vì Trường ĐH Giáo dục đang thực hiện theo mô hình nối tiếp a+b, nên sẽ tập trung cải tiến mô hình này. Các căn cứ nhà trường dựa vào là Khung trình độ quốc gia, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Ba hướng nhà trường đang nghiên cứu để cải tiến như sau:

Thứ nhất: Tăng cường rèn nghề thêm 6 tháng. Hướng này chủ yếu tăng thời gian đào tạo từ 4 năm, thành 4,5 năm để tăng thêm các trải nghiệm nghề nghiệp tại trường phổ thông. Sau khi hoàn thành các môn chuyên môn nghiệp vụ, giáo sinh sẽ được cử về các trường để luyện nghề 6 tháng, nếu hoàn thành đạt yêu cầu mới được cấp bằng. Hướng này không có nhiều sự đột phá, nhưng cũng sẽ giúp việc tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho giáo sinh.

Thứ hai: Song bằng cử nhân khoa học và cử nhân SP. Hướng này tăng thêm thời gian học 0,5 năm, tập trung cho các phần kiến thức khai phóng. Tổng thời gian đào tạo chuẩn là 5 năm. Sau khi học xong khoảng 3 năm chuyên môn cơ bản, 1 năm về nghiệp vụ và khoa học giáo dục, 0,5 năm học khai phóng và 0,5 năm luyện nghề, sinh viên được cấp bằng cử nhân khoa học liên quan đến môn cơ bản đã học, đồng thời được công nhận toàn bộ các tín chỉ này là tín chỉ tích lũy cho chương trình cử nhân SP.

Trường ĐH Giáo dục có thể công nhận tín chỉ, bằng cấp của những trường đào tạo khoa học cơ bản có chất lượng trong nước và quốc tế nếu người học đăng ký vào chương trình đào tạo giáo viên theo hướng này. Cách này đáp ứng được khả năng chuyển đổi nghề khi nhu cầu giáo viên không có đủ vị trí việc làm; tạo thuận lợi cho việc phát triển và học lên theo nhiều hướng khác nhau.

Thứ ba: Phối hợp lên thạc sĩ giảng dạy. Việc đào tạo thẳng lên thạc sĩ giảng dạy cũng đã có kinh nghiệm quốc tế, thí dụ ở Pháp. Hướng này nhằm giải quyết vấn đề nâng chuẩn đào tạo của GV phổ thông trong tương lai, hoặc việc một số trung tâm giáo dục lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể muốn GV của mình có trình độ cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Hướng phối hợp này, ngoài 4,5 năm như hướng thứ nhất, có thêm 1,5 năm để hoàn thành chương trình nghiên cứu bậc thạc sĩ. Tổng thời gian đào tạo chuẩn là 6 năm, tốt nghiệp được cấp bằng thạc sĩ SP/giảng dạy và có thể xem xét cấp bằng cử nhân SP. Hướng này tăng khả năng liên thông, chuyển đổi, khả năng luyện nghề, đồng thời đáp ứng nhu cầu học lên cao của người học.

“Kết quả điều tra xã hội học bước đầu với học sinh THPT cho thấy xã hội có sự quan tâm đến hướng thứ 2 và thứ ba. Đây chính là một căn cứ quan trọng nữa để Trường ĐH Giáo dục tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất mô hình đổi mới đào tạo GV trong ĐHQG Hà Nội và các đơn vị bạn tham khảo và mở rộng” GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho hay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/huong-nao-cho-doi-moi-mo-hinh-dao-tao-giao-vien-4017852-b.html