Hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật: Cần quan tâm đúng mức
Song song với công tác trị liệu, can thiệp, một số trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã quan tâm hướng nghiệp với mục tiêu không chỉ giúp các em hòa nhập mà trong tương lai còn có thể tự kiếm sống bằng năng lực của mình.
Vẫn biết hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật chẳng dễ dàng, song chị Trần Diễm Trinh-Giám đốc Công ty TNHH Hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên (hẻm 106 Lý Thường Kiệt, thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vẫn không thôi trăn trở. Hiện cơ sở đang nuôi dạy 24 trẻ khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Trong số này có 14 em thể hiện rõ năng khiếu vẽ và được học mỹ thuật tại lớp nên có thể tham gia các hoạt động hướng nghiệp phù hợp. Chị Trinh cho hay, Tết Nguyên đán 2021, với sự hướng dẫn của giáo viên, các em đã cùng nhau trang trí bao lì xì, vẽ dừa thư pháp, khắc tranh trên dưa hấu, làm vòng nguyệt quế bằng trái thông… Được các cô “tiếp thị” trên mạng xã hội, những sản phẩm đầy tính sáng tạo của các em làm ra đến đâu bán hết đến đó. Tiếp nối thành công, các em được hướng dẫn vẽ trên túi xách. Những nét vẽ hồn nhiên song cũng thật đáng yêu với họa tiết cây cỏ, hoa lá, biển cả, danh lam thắng cảnh, nhân vật truyện tranh Nhật Bản… khiến những chiếc túi trở nên thật độc đáo, bắt mắt.
Tác phẩm hoàn thiện và được ủng hộ đã mang đến niềm cảm hứng cho các em, đồng thời là động lực lớn lao đối với giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật khi thấy học trò tiến bộ từng ngày. “Có một ngân hàng đã liên hệ để năm tới đặt vẽ bao lì xì với số lượng lớn làm quà tặng cho khách. Chúng tôi cũng đang cho một số em, đặc biệt là trẻ tự kỷ tập gấp bao giấy. Khi các em đã thành thạo, tôi sẽ liên hệ các tiệm bán bánh mì lớn để nhận gấp bao bì, tạo niềm vui cho trẻ khi biết cách làm ra tiền”-chị Trinh hào hứng trò chuyện.
Không giấu sự phấn chấn khi thấy con gái được quan tâm hướng nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Sương-mẹ bé Huỳnh Anh Thư-chia sẻ: Vợ chồng chị có 2 con. Con trai đầu phát triển bình thường, còn cháu Thư phát hiện bị khiếm thính lúc 6 tuổi. “Hồi đó, tôi buồn lắm, đến mức không muốn gặp gỡ, giao tiếp với hàng xóm. Nhiều người còn phân biệt đối xử với con vì cho rằng cháu không bình thường. Sau nhiều năm theo học tại cơ sở của cô Trinh, con tôi tiến bộ rất nhiều. Gia đình mừng lắm vì có hoạt động hướng nghiệp, giúp các con có cơ hội trải nghiệm. Đặc biệt, Thư rất thích vẽ bao lì xì, làm thiệp”-chị Sương kể.
Cũng mong muốn giảm gánh nặng cho xã hội nên chị Nguyễn Thị Liệu-Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nụ cười Pleiku-Gia Lai (hẻm 113 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku) luôn chú trọng hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là trong khoảng 60 em đang trị liệu tại đây có đến hơn 80% là trẻ tự kỷ. Những học trò này thường chỉ quen với các hoạt động lặp đi lặp lại. Với đặc điểm ấy, các em phù hợp với những công việc như: chế biến thức uống, phục vụ quán cà phê, đóng nắp chai, dán nhãn sản phẩm… Trăn trở về hướng đi này, chị Liệu đau đáu với những dự định như: mở tiệm bánh và cà phê để tạo việc làm cho các em; mở cơ sở mỹ nghệ để các em tham gia bán hàng. Chị cũng đã tính đến chuyện liên hệ với các cơ sở sản xuất tiếp nhận đối tượng lao động đặc biệt này vào làm công thực hiện những công đoạn đơn giản.
Song nếu chỉ nỗ lực một phía từ các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thì mục tiêu hướng nghiệp cho các em rất khó đi hết quãng đường dài. Chị Trinh nêu quan điểm: “Sự quan tâm, phối hợp của gia đình là rất quan trọng, nhất là vai trò người mẹ trong việc gần gũi, định hướng cho con”. Chị Liệu cũng cho rằng để mở ra hướng đi hiệu quả cho trẻ tự kỷ cần có sự chung sức của phụ huynh và cộng đồng. “Các em ngày một trưởng thành, cần sự hòa nhập đúng nghĩa. Đó là môi trường làm việc bình đẳng, không phân biệt người bình thường với người khuyết tật. Trên thực tế, sau quá trình can thiệp, trị liệu, nhiều em phát triển nhận thức rất tốt. Theo tôi, không nên tạo ra một môi trường thu hẹp chỉ toàn đối tượng lao động khuyết tật mà cần quan tâm tạo cơ hội đồng đều hơn”-chị Liệu mong mỏi. Chị cũng đề xuất các cấp, các ngành liên quan mở những triển lãm trưng bày tranh vẽ, sản phẩm của trẻ khuyết tật tạo động lực cho các em phấn đấu vươn lên, đồng thời xóa bỏ định kiến về lao động khuyết tật, giúp các em có cơ hội hòa nhập thật sự với cộng đồng.