Hướng người dân phát triển kinh tế vườn hộ

Ở xã Đạ Long (huyện Đam Rông), nơi trên 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo vẫn là vấn đề trọng tâm được địa phương này tập trung thực hiện. Và định hướng người dân phát triển vườn hộ là một trong những hướng đi của địa phương nhằm từng bước đưa người dân giảm nghèo bền vững.

Xây dựng “vườn mẫu” là giải pháp xã Đạ Long thực hiện nhằm thay đổi dần tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn. Ảnh: H.Thắm

Xây dựng “vườn mẫu” là giải pháp xã Đạ Long thực hiện nhằm thay đổi dần tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn. Ảnh: H.Thắm

Cà phê, điều, lúa, bắp là những cây trồng truyền thống của người dân Đạ Long trước đây. Câu chuyện sản xuất của người dân nơi đây chủ yếu gắn với ruộng, rẫy và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Vườn tược bỏ trống, chăn nuôi thả rông dần trở thành thói quen. Nguồn lực bị bỏ quên và đói nghèo vẫn dai dẳng ở mảnh đất nhỏ, hẹp và dốc như Đạ Long.

Ông Lơ Mu Ha Poh - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, chia sẻ: Đạ Long là một xã thuần nông, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã là 831 ha. Trong đó, có 127 ha đất sản xuất nông nghiệp vườn hộ, chiếm tỷ lệ 15,4% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã. Bên cạnh đó, những đặc trưng về khí hậu, nguồn lao động dồi dào… là những điều kiện thuận lợi để người dân Đạ Long có thể sản xuất vườn hộ.

Bởi vậy, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xã Đạ Long xác định, nhiệm vụ phát triển kinh tế vườn hộ là nội dung cần được triển khai nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động và tài nguyên sẵn có. Theo đó, địa phương đã ban hành nghị quyết chuyên đề để thực hiện nhiệm vụ này. Mục tiêu được xác định cụ thể từng năm từ 2021 đến 2025. Năm 2021, xã Đạ Long tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, phấn đấu ít nhất 30% số hộ dân trên địa bàn xã, trong đó ít nhất 70% hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang cư trú, sinh sống trên địa bàn xã có thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/hộ/năm từ hoạt động kinh tế vườn hộ.

Để thực hiện nhiệm vụ này, xã Đạ Long đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế vườn hộ trong Nhân dân nói chung. Ngoài tuyên truyền trực tiếp tới người dân, các chức sắc tôn giáo, già làng, người uy tín ở các buôn làng cũng là kênh tuyên truyền quan trọng để thực hiện. Bên cạnh đó, xã Đạ Long còn tổ chức phát động phong trào thi đua cải tạo, chỉnh trang, phát triển kinh tế vườn hộ rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là những người đi đầu trong thực hiện, gắn việc xây dựng “vườn mẫu” với việc xây dựng “khu dân cư tiêu biểu”, “khu dân cư kiểu mẫu” trong xây dựng nông thôn mới.

Đạ Long đã phân bổ ít nhất 50% nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn nhằm hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế vườn hộ. Đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ khác để tăng nguồn lực hỗ trợ. Bí thư Đảng ủy xã Lơ Mu Ha Poh chia sẻ thêm, trên cơ sở tình hình thực tế, lợi thế của từng thôn, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo các bộ phận có liên quan phối hợp với Ban nhân dân các thôn tổ chức đánh giá sát, đúng, hiệu quả giá trị kinh tế của từng đối tượng cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế vườn hộ, nhu cầu của thị trường và khả năng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; từ đó xác định các đối tượng cây trồng, vật nuôi thích hợp. Việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo hướng ưu tiên khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng hộ gia đình, để mở rộng phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuyên truyền và hỗ trợ người dân từng bước áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.

Đến thời điểm hiện tại, Đạ Long đã triển khai xây dựng điểm 10 vườn hộ có diện tích từ 1.000 m2 trở lên. Đây là những mô hình mẫu để người dân học tập. Ông Nguyễn Quốc Văn (42 tuổi), người dân sống tại Thôn 4, xã Đạ Long là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Mô hình vườn cà phê trồng xen sầu riêng của gia đình ông Văn cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Ông Văn chia sẻ “Trên diện tích đất vườn có sẵn, với điều kiện khí hậu thuận lợi như Đạ Long, nếu lựa chọn cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng sẽ cho năng suất cao”. Hiện vườn cây của gia đình ông Văn đang là điểm học tập của nhiều bà con ở Đạ Long.

Sản xuất vườn hộ không đơn thuần là câu chuyện phát triển kinh tế, mà đây còn là sự thay đổi tích cực trong tập tục sản xuất, đồng thời khích lệ ý thức, trách nhiệm tự vươn lên trong Nhân dân. Còn nhiều khó khăn để Nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất vườn hộ thành nghị quyết “giảm nghèo” ở Đạ Long. Nhưng đây sẽ là bước đi đầu cho sự đổi thay từ ý thức và kiến thức sản xuất của người dân cho đến sự đổi thay tích cực bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đưa Đạ Long tiến dần về đích nông thôn mới.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202111/huong-nguoi-dan-phat-trien-kinh-te-vuon-ho-3091512/