Hướng phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng gỗ lớn

Thời gian qua, nhiều hộ dân, chủ rừng trên địa bàn huyện Thanh Sơn tập trung đầu tư phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Việc chuyển đổi trồng rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn dài ngày không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu mà còn tăng tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại địa phương.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra quá trình phát triển cây keo gỗ lớn của người dân, đảm bảo phát triển đồng đều sau 10-12 năm.

Huyện Thanh Sơn hiện có 730 nghìn ha rừng cây gỗ lớn, tập trung ở một số xã như Võ Miếu, Thục Luyện, Thạch Khoán, Tất Thắng… Theo đánh giá của một số chủ rừng thì hiệu quả kinh tế của việc chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ (rừng nguyên liệu) với chu kỳ 5-7 năm sang rừng gỗ lớn (chu kỳ 10-12 năm trở lên) sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 3 lần. Gia đình ông Trần Ngọc Sơn - khu 3, xã Thục Luyện hiện có 30ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có 20ha trồng cây keo. Sau khi được các cấp, ngành và chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến về chính sách chuyển hóa rừng gỗ lớn, ông Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi 4ha rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác từ 10-12 năm để tăng kích thước và giá thành khi thu hoạch. Ông Sơn cho biết: "Nếu như trước đây khai thác ngay ở năm thứ bảy, diện tích này vẫn còn là rừng gỗ nhỏ, chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ bóc, giá trị chỉ đạt khoảng 90 triệu đồng/ha thì đối với rừng gỗ lớn, tôi chỉ cần để cây thêm 4-5 năm nữa, có thể cho nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không mất thêm chi phí trồng mới khi nhận được 12 triệu đồng/1ha tiền hỗ trợ từ chương trình chuyển hóa rừng gỗ lớn của Nhà nước. Điều đó sẽ giúp cho gia đình có thêm kinh phí để chăm sóc cây phát triển tốt hơn".

Ông Trần Ngọc Sơn, khu 3, xã Thục Luyện thực hiện tỉa thưa để giúp cây keo phát triển đồng đều hơn trong giai đoạn về sau.Huyện Thanh Sơn cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng thuộc tốp đầu của tỉnh với trên 42 nghìn ha, độ che phủ rừng đạt 50,3%, trong đó có trên 30,5 nghìn ha diện tích rừng sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh, trong đó quy định cụ thể mức hỗ trợ 12 triệu đồng/ha đối với rừng trồng keo tai tượng, keo lai có quy mô tập trung và có cam kết khai thác sau 10 năm tuổi của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình. Những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân trong việc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực đối với đời sống của người dân làm nghề rừng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với cây keo lai và keo tai tượng.Từ năm 2020 đến nay, đã có gần 100 người dân, chủ rừng tham gia chuyển đổi 275ha rừng gỗ lớn với tổng kinh phí hỗ trợ đạt hơn 3,3 tỉ đồng. Năm 2021, toàn huyện đã trồng 2.560ha rừng tập trung; chuyển hóa 135ha cây gỗ lớn; trồng 730ha rừng gỗ lớn. Từ trồng rừng gỗ lớn, các hộ dân đã có thu nhập ổn định, bình quân đạt 33,3 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,54%/năm, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển rừng gỗ lớn cần nguồn vốn ổn định, trong khi đó, điều kiện kinh tế nhiều hộ trồng rừng còn khó khăn. Do đó, một số người dân vẫn đang duy trì việc trồng và khai thác rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để đảm bảo kinh tế gia đình chứ chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài từ chủ trương chuyển đổi rừng gỗ lớn.

Cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm xã Võ Miếu hướng dẫn người dân xã Võ Miếu kỹ thuật tỉa cành và quy trình chăm sóc, phát triển cây keo.Ông Nguyễn Tiến Hiếu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn chia sẻ: "Qua nắm bắt tình hình cho thấy, bà con đang dần thay đổi nhận thức trong việc trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, các chủ rừng tiếp tục phát triển cây gỗ lớn dài hạn bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, nhất là trong điều kiện nhu cầu sử dụng gỗ lớn để phục vụ chế biến ngày càng tăng trong khi diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm. Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển rừng bền vững, góp phần chống xói mòn và tạo “lá chắn xanh” phòng chống thiên tai".Có thể thấy, chủ trương trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ. Để nhân rộng mô hình này, cùng với các cấp, ngành và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cùng người trồng rừng cần quan tâm, mạnh dạn phát triển rừng gỗ lớn, góp phần đem lại lợi ích lâu dài, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn.

Quốc Đại

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/202112/huong-phat-trien-kinh-te-ben-vung-tu-trong-rung-go-lon-181780