Hương Phi - phi tần nhiều huyền sử nhất của vua Càn Long: 'Cống phẩm' cho Hoàng đế, chết dưới tay Thái hậu và khiến Kế Hậu bị thất sủng?
Sự tồn tại thật sự của Hương Phi - vị phi tần có mùi hương quyến rũ bậc nhất trong Hậu cung nhà Thanh này vẫn còn bỏ ngỏ. Dù cho nhiều sử liệu và giả thuyết tương đối đáng tin đã được đặt ra: Nàng là 'cống phẩm' khiến Càn Long say mê, chết dưới tay Thái hậu, và có liên quan đến việc kế Hậu bị thất sủng.
Tam cung lục viện Trung Hoa xưa vốn có rất nhiều điều bí ẩn mà hậu thế ngày nay vẫn không thể nào lý giải được.
Trong đó, có một số câu chuyện và nhân vật trôi qua cùng năm tháng, dưới sự tác động của thời gian, cộng thêm sự thêu dệt đồn đoán của nhiều thế hệ mà đã trở nên huyền sử, mờ ảo hơn bao giờ hết.
Hương Phi - vị phi tần của Thanh Cao Tông Càn Long Đế là một ví dụ điển hình.
Bà không những khiến nhiều nhà sử học Trung Quốc ngày nay đau đầu đi tìm lời giải về thân thế và sự tồn tại của mình trong Hậu cung nhà Thanh.
Mà còn làm biết bao người thắc mắc, hoài nghi về thứ mùi hương huyền thoại, đầy quyến rũ, gắn liền với tên tuổi của bà qua bao câu chuyện truyền miệng xuyên suốt hàng trăm năm qua.
Sự thật về sự tồn tại của Hương Phi
Ban đầu, câu chuyện về Hương Phi vốn được xem là thần thoại, được xây dựng dựa trên nhân vật có thật trong lịch sử Hậu cung nhà Thanh, xuất thân từ miền viễn Tây của Trung Quốc - Dung Phi Hòa Trác thị.
Tuy nhiên, về sau này, các nhà sử học dựa trên các nghiên cứu trong những sử liệu hiếm hoi còn sót lại, đã cho rằng Dung Phi sống trong Hậu cung nhà Thanh 28 năm mà không hề có ai gọi nàng là "Hương Phi".
Thậm chí, trong "Thanh sử cảo" (bản thảo một bộ tư liệu lịch sử về thời nhà Thanh) có chép rất nhiều về Dung Phi nhưng tuyệt nhiên không dính dáng gì đến chữ "Hương", như vậy chắc chắn Dung Phi không phải Hương Phi. Đây là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau.
Ấy thế, dù đã khẳng định được đây là hai nhân vật khác nhau, nhưng câu hỏi về thanh thế và sự tồn tại thật sự của Hương Phi, vị phi tần nổi tiếng có mùi hương quyến rũ bậc nhất trong Hậu cung của triều đại phong kiến Trung Hoa cuối cùng này vẫn còn bỏ ngỏ.
Có chăng chỉ là những giả thuyết và đồn đoán, thực ảo đan xen lẫn nhau.
Một Hương Phi xinh đẹp, hương thơm quyến rũ, bị khuất phục bởi đấng quân vương
Theo như trong dị bản và các câu chuyện huyền sử của người Hán. Hương Phi vốn là một vị phi tần người Duy Ngô Nhĩ, có tên là Y Mạt Nhĩ Hãn, sinh ra và lớn lên ở vùng Tân Cương.
Ngay từ sớm, vì gia cảnh nghèo khó, nên nàng đã được gả làm thiếp cho Hoắc Tập Chiêm, thủ lĩnh Tiểu Hòa Trác ở Khách Thập địa khu (nay là Khu tự trị dân tộc Uyghur Tân Cương, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).
Đến khi Đại tướng quân Triệu Huệ đánh bại được Hoắc Tập Chiêm, liền nhận thấy Y Mạt Nhĩ Hãn có vẻ đẹp mong manh và toàn thân lại tỏa ra một mùi hương quyến rũ đầy mê hoặc nên Triệu Huệ liền bắt giữ nàng, xem nàng như một cống phẩm dâng cho Càn Long Đế.
Trên đường về kinh để nhập cung, Y Mạt Nhĩ Hãn được hộ tống rất cẩn thận. Thậm chí còn tắm rửa hằng ngày bằng sữa lạc đà để không làm mất đi thứ hương thơm bí ẩn của mình.
Sau khi về đến Tử Cấm Thành, nàng liền ra mắt Càn Long Đế. Và không ngoại dự đoán, mùi hương cộng với nhan sắc của nàng liền khiến bậc Thiên tử này phải xiêu lòng.
Y Mạt Nhĩ Hãn ngay lập tức được phong làm Hương Phi và gần như trở thành vị phi tần độc sủng trong Hậu cung nhà Thanh lúc bấy giờ.
Thế nhưng, do quá thương nhớ quê hương cùng người chồng Hoắc Tập Chiêm, nên Hương Phi suốt ngày ủ rũ, buồn bã như một con chim thảo nguyên bị vây hãm trong chốn cấm cung.
Nàng không buồn ăn uống, không buồn giao tiếp nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả khi gặp Càn Long, nàng cũng chẳng thèm hành lễ.
Càn Long thấy vậy mà cũng thương nàng hơn, tìm mọi cách để chiều lòng mỹ nhân như xây dựng thánh đường, kiến tạo ốc đảo,... nhằm tái hiện lại khung cảnh quê hương để Hương Phi vơi đi u sầu.
Đáng tiếc, nàng vẫn không mảy may vui vẻ. Cho đến khi, Càn Long Đế sai sứ giả đến quê hương của Hương Phi, mang về cho nàng một cây táo mọc những trái táo vàng, nàng mới chính thức "ngã vào lòng" đấng quân vương cho tận đến khi qua đời.
Sau khi chết, thi hài của Hương Phi được Càn Long ra lệnh đem về cố hương của nàng để mai táng.
Đoàn diễu hành đưa thi hài Hương Phi lên đến 120 người di chuyển trong suốt 3 năm mới đến nơi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều tài liệu cho rằng, thực chất quan tài được Càn Long sai người đem về Tân Cương, bên trong chỉ là một bức tượng điêu khắc giả, còn xác thật của nàng đã sớm được Càn Long cho đem nhập táng ở viên Phi lăng tẩm của Hậu cung nhà Thanh.
Một Hương Phi cứng rắn, thủ tiết với chồng, cuối cùng chết dưới tay Thái hậu
Dị bản của người Duy Ngô Nhĩ cũng có phần giống như dị bản của người Hán, nhưng đáng tiếc là cái kết lại không có hậu như vậy.
Và dị bản này cũng được nhiều sử gia và tài liệu lịch sử Trung Hoa tin tưởng hơn và nghiên cứu kỹ để công khai các số liệu cụ thể về lai lịch của Hương Phi.
Theo nhà nghiên cứu sử học Chung Lâm, Hương Phi có tên thật là Y Mạt Nhĩ Hãn ra đời khoảng năm 1745, trong một gia đình nghèo thuộc dân tộc Hồi, người Duy Ngô Nhĩ ở Khát Thập, khu tự trị Tân Cương.
10 tuổi nàng đã trở thành thiếp của Hoắc Tập Chiêm. Năm 1758, Hoắc Tập Chiêm làm phản, chống đối triều đình nhà Thanh.
Hay tin, Thanh Cao Tông Càn Long Đế tức giận, sai quân tới Tân Cương diệt trừ phản loạn.
Tháng 11 năm ấy, chiến sự công thành, Hoắc Tập Chiêm bị đánh bại. Riêng Y Mạt Nhĩ Hãn bị bắt giải về Tử Cấm Thành dâng cho Càn Long.
Trong lần đầu gặp mặt, Càn Long đã mê đắm Y Mạt Nhĩ Hãn vì nàng có mùi hương quá sức quyến rũ mà Hậu cung hơn 40 phi tần thê thiếp của ông lúc bấy giờ không ai có được.
Ông liền phong nàng thành Hương Phi và cho đến sống ở Tây Uyển.
Ban đầu, Hương Phi không biết rằng chồng mình đã chết nên cứ u sầu ũ rủ.
Càn Long lại tưởng nàng buồn vì nhớ quê hương nên ra lệnh tì nữ hầu hạ phải phục vụ Hương Phi đúng theo phong cách truyền thống của người Hồi, món ăn kiểu Hồi, trang phục kiểu Hồi, thậm chí xây cả một lễ đường Hồi giáo trong Tây Uyển.
Đáng tiếc Hương Phi vì thương nhớ chồng mà nhất quyết cự tuyệt Càn Long.
Thậm chí, Hương Phi còn lên kế hoạch giết Càn Long Đế để trả thù việc nhà Thanh đã chiếm giữ quê hương Tân Cương của mình, cũng như là để bảo vệ sự trong trắng.
Kế hoạch thất bại, Càn Long Đế biết chuyện, nhưng đã bị quyến rũ bởi sắc đẹp của Hương Phi nên không đành ra tay. Để rồi cuối cùng, nàng đã bị Sùng Khánh Hoàng Thái hậu ban chết.
Trước khi được ban chết, Hương Phi có liên quan đến sự thất sủng của kế Hoàng Hậu?
Theo Trung Quốc Hoàng đế toàn truyện (NXB Giáo Dục tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, 1996), phần "Cao Tông Ái Tân Giác La Hoằng Lịch", mục "Hương Phi tuẫn tiết" có chép:
Năm 1765 xảy ra cuộc phản kháng vũ trang lớn của người Hồi ở Ô Thập, Tân Cương.
Càn Long hạ lệnh trấn áp thật nghiêm, cuộc chém giết lần này khiến vô số người Hồi mất mạng. Hương Phi biết tin rất bi thương, nung nấu ý định giết Hoàng đế trả thù cho mẫu tộc mình.
Năm ấy, Càn Long thực hiện chuyến Nam tuần, du ngoạn Tô Châu, Hàng Châu, có đưa Hương Phi đi theo.
Tại Hàng Châu, bị Càn Long cố tâm chiếm đoạt, Hương Phi rút dao ngắn trong tay áo đâm Càn Long nhưng không thành.
Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị biết được, lập tức truyền giết Hương Phi tội mưu sát Hoàng đế, nhưng Càn Long không nghe.
Hoàng hậu vô cùng tức giận dùng kéo cắt đi mái tóc của mình (đây là hành động đại kỵ của dân tộc Mãn Châu).
Mùa đông năm ấy, Càn Long đến Thiên đàn cử hành đại lễ tế cáo trời đất ở Viên Khâu, Thái hậu sai người đưa Hương Phi vào cung Từ Ninh rồi ra lệnh khóa hết cửa lại, dù Hoàng đế cũng không cho vào, hỏi Hương Phi rằng: "Ngươi trước sau không chịu khuất, vậy rốt cục là muốn cái gì?".
Hương Phi đáp: "Chỉ muốn chết mà thôi". "Vậy hôm nay ta sẽ cho ngươi toại nguyện, thế nào?", Thái hậu tức giận nói.
Hương Phi lập tức quỳ xuống dập đầu cảm tạ: "Thái hậu cho thần thiếp được tròn chí nguyện, ơn đức lớn như trời đất".
Nói rồi nước mắt như mưa, Thái hậu sai đưa qua gian phòng đã có sẵn dây, Hương Phi treo cổ tự vẫn.