Hương sắc Miền Đồi
Những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp về xã Miền Đồi (Lạc Sơn). Nhìn từ trên cao, Miền Đồi đẹp như một bức tranh sơn thủy, yên bình. Những cung ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại quanh các sườn đồi như những con sóng. Hương sắc mùa xuân lan tỏa khắp vùng, cuộc sống người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Mô hình trồng quýt bản địa tại xóm Thăn Trên, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Đến nay, con đường lên xã đã được bê tông hóa hoàn toàn, đường từ trung tâm xã đến nhiều xóm được cứng hóa. Nhân dân các xóm Vôi, Thăn Trên, Dóm... đã đóng góp tiền của, nguyên vật liệu, hàng nghìn ngày công để xây dựng tuyến đường. Những con đường lầy lội bùn đất trước đây dần được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, từ người già đến trẻ nhỏ ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.
Với bàn tay cần cù lao động, người nông dân đã biến vùng núi cao cằn cỗi sỏi đá thành ruộng nương tươi tốt. Xóm Thăn Trên với những cây quýt chín mọng chờ thu hoạch đem đến niềm vui cho bà con. Ông Bùi Văn Hưng, chủ 300 gốc quýt cổ trên 30 năm tuổi chia sẻ: "Giống quýt ở đây có hương vị thơm ngon đặc biệt, ngày càng được nhiều người biết đến. Với giá bán ổn định từ 20.000 - 30.000 đồng/kg đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sau mỗi vụ quýt, gia đình tôi thu về cả trăm triệu đồng". Giá trị cây quýt được khẳng định trong việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Năm 2019, bà con đón thêm tin vui khi được tiếp nhận gần 6.500 cây quýt giống từ nguồn vốn Chương trình 135, nâng tổng diện tích cây quýt toàn xã lên 24 ha, góp phần tạo sinh kế, phát triển kinh tế địa phương.
Miền Đồi có khí hậu mát mẻ, núi rừng bạt ngàn là nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Toàn xã có 928 hộ, trong đó có hơn 100 hộ nuôi ong mật, nhiều hộ có 40 - 50 đàn ong. Đến thăm những hộ nuôi ong tại xóm Thăn Trên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi những thùng ong được người dân đặt cheo leo trên vách đá, vậy mà thùng nào thùng nấy đều cho rất nhiều mật. Ông Bùi Văn Diển cho biết: "Mật ong Miền Đồi có vị thơm ngon không giống với bất cứ nơi nào, bởi ong hoàn toàn được hút mật ngọt từ các loại hoa rừng. Hiện tại, tôi đang nuôi 40 đàn ong, giá thành dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/lít mật, mỗi năm thu từ 40-50 triệu đồng từ bán mật ong".
Để tạo đột phá trong công tác phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, hàng năm, Đảng ủy, chính quyền xã lãnh, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, đưa KH-KT vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Toàn xã gieo cấy 308 ha lúa, năng suất đạt 45 tạ/ha; ngô 70 ha, năng suất đạt 35 tạ/ha; rau màu các loại 30 ha, năng suất và sản lượng đều cao. Tận dụng điều kiện địa hình đồi núi, nguồn thức ăn tự nhiên, xã phát triển chăn nuôi với 1.302 con trâu, 689 con bò, 1.366 con lợn, 37.000 con gia cầm, đàn vật nuôi toàn xã phát triển ổn định qua từng năm. Cùng với đó, xã hỗ trợ vốn vay sản xuất cho bà con thông qua các kênh tín dụng, vốn chính sách, tạo nguồn sinh kế ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 22%, hơn 150 lao động có việc làm thường xuyên tại các cửa hàng, xưởng cơ khí, doanh nghiệp. Hàng năm, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 16%, trên 95% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ dùng nước hợp vệ sinh. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt. Tình hình ANCT-TTATXH được giữ vững.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/137788/huong-sac-mien-doi.htm