Lăng Ông Bà Chiểu là nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), vị Tổng trấn thành Gia Định xưa. Tên chính xác của nơi này là Thượng Công miếu song dân gian thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu với hàm nghĩa là lăng Ông (tránh gọi thẳng tên Tả quân Lê Văn Duyệt) và ở vùng đất Bà Chiểu.
Đức Tả Quân là một trong những bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Sinh thời, ông là một vị quan thanh liêm, đức độ, có tài và được nhân dân kính trọng gọi bằng "Ông Lớn Thượng".
Lăng Ông Bà Chiểu có diện tích khoảng 1,85 ha, được bao quanh bởi tường dài 500 m, cao trên 1 m.
Lăng Ông có 4 cổng hướng ra 4 con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: Hạ Vy
Từ cổng Tam quan, phải đi qua một khu vườn khá rộng để vào khu lăng chính gồm 3 phần: nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Ảnh: Hạ Vy
Mùa xuân đến, Lăng Ông Bà Chiểu càng thêm đẹp, đầy sức sống với nhiều tiểu cảnh trang trí trong khuôn viên rộng lớn, đón chào khách thập phương. Ảnh: Hạ Vy
Trong tâm khảm nhiều người dân, Lăng Ông Bà Chiểu là chốn linh thiêng. Ảnh: Hạ Vy
Mỗi dịp Tết, các ngày lễ lớn, nơi này tấp nập dòng người đến chiêm bái, dâng hương, cầu nguyện bình an. Ảnh: Hạ Vy
Khu miếu thờ gồm Tiền điện, Trung điện và Chính điện, có sắc đỏ và vàng chủ đạo. Ảnh: Hạ Vy
Trải qua 2 thế kỷ, là "chứng nhân" trước bao thăng trầm lịch sử, Lăng Ông Bà Chiểu ngày nay vẫn còn giữ được rất nhiều nét kiến trúc cổ kính và các nghi lễ vẫn được bao thế hệ duy trì, nhằm bày tỏ sự tri ân với tiền nhân, gửi gắm ý nguyện quốc thái dân an. Ảnh: Hạ Vy
Trên bức tường bên ngoài Tiền điện có các bức phù điêu khảm bằng chất liệu sành sứ, thủy tinh… Đây là một kỹ thuật thường thấy ở những công trình kiến trúc tại cố đô Huế, cho thấy óc thẩm mỹ và sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân ngày xưa. Ảnh: Hạ Vy
Những ngày Tết cổ truyền, di tích này đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan đến từ trong và ngoài nước. Ảnh: Hạ Vy
Lăng Ông Bà Chiểu là công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Nam Bộ. Ảnh: Hạ Vy
Mộ phần Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân Đỗ Thị Phẫn là nơi có kiến trúc cổ nhất khu di tích, tồn tại từ năm 1848. Nằm song song với mộ Ông là mộ Chánh Thất Tả quân Phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Ảnh: Hạ Vy
Bà Hòe (85 tuổi, áo xanh) cùng các chị em và các con gái luôn duy trì việc đến Lăng Ông Bà Chiểu suốt nhiều năm qua để dâng hương, cầu nguyện bình an cho năm mới. Ảnh: Hạ Vy
Hầu hết người dân lựa chọn trang phục áo dài truyền thống nền nã, đẹp mắt khi đến tham quan, chiêm bái chốn trang nghiêm này. Ảnh: Hạ Vy
Ngày nay, Lăng Ông Bà Chiểu còn là điểm hẹn "check-in" mà giới trẻ khó thể bỏ qua
Cây Ngọc Kỳ Lân (còn gọi là cây Vô Ưu, cây Sala) nở rộ từng đóa hoa đỏ thắm, hương thơm thanh thoát. Ảnh: Hạ Vy
Anh Lương Đình Duy (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã duy trì thói quen đến đây suốt hơn 12 mùa Xuân. Không gian cổ kính, trang nghiêm này cho anh dịp lắng lòng mình, nhìn lại năm đã qua, thành kính nguyện cầu những điều tốt lành trong năm mới. Ảnh: Hạ Vy
Bà Irene Darnau (67 tuổi) đến từ Bordeaux - Pháp cùng chồng hạnh phúc nhận nhành lộc Xuân ở Lăng Ông. Ảnh: Hạ Vy
Chị Thanh Tuyền (23 tuổi) thường đến phụ việc phát lộc Xuân ở Lăng Ông dịp Tết. Ảnh: Hạ Vy
Cô gái trẻ cùng các tình nguyện viên ở đây đã giúp việc trao gởi những cành lộc biếc luôn được văn minh, trật tự, giàu tình cảm. Ảnh: Hạ Vy
Điều đáng quý là ngày càng nhiều bạn trẻ ý thức tìm đến di tích này để tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ảnh: Hạ Vy
Anh Đoàn Dương Phương Ngọc (23 tuổi, giáo viên) chăm chú đọc thông tin trên văn bia. Anh bày tỏ lòng trân trọng, tri ân công đức tiền nhân và cho biết sẽ rủ nhiều bạn bè cùng đến đây. Ảnh: Hạ Vy
Ngày Xuân, khuôn viên Lăng có những gian hàng tò he, thư pháp, trưng bày tác phẩm nghệ thuật… tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Ảnh: Đình Lương
Ở khu Tây Lang của lăng, âm thanh "lắp xắp" đều đặn phát ra mỗi khi có người lắc ống xăm. Đây là phong tục đặc sắc của cộng đồng từ xưa vẫn lưu truyền đến nay. Ảnh: Hạ Vy
Mọi người đến xin xăm vào dịp đầu năm hay lúc có việc hệ trọng cần kính thỉnh thần ý… Ảnh: Hạ Vy
Hành trình viếng Lăng Ông khép lại, trên tay ai nấy là cành lá tươi tốt và trong tâm hồn là sự an nhiên, lấp lánh hy vọng cho năm mới. Nhành lộc xanh – biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, may mắn, ngọt lành. Ảnh: Hạ Vy
Xuân Huy, ảnh: Hạ Vy – Đình Lương