Hương sắc Xuân Việt tỏa muôn phương!
Giữa dòng đời bao hối hả ngược xuôi, với mỗi người con đất Việt, Tết luôn thật đặc biệt và quý giá!
Bởi đó… là khoảng thời gian mỗi chúng ta chắt chiu từng phút, từng giờ, từng ngày; là những chuyến xe đưa chúng ta về với ngóc ngách của mọi miền quê trên dải đất hình chữ S, về với nơi mà dù có đi bốn phương trời vẫn khát khao được tìm lại – Nhà; là hít hà vị mặn mòi của đất sỏi quê hương, nơi in hằn những dấu chân của mẹ, của tuổi thơ nuôi ta lớn; là thêm một lần ý thức ta là người Việt, thêm yêu Tổ quốc và tiếng mẹ thiêng liêng…
Với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, Tết có lẽ có những điều đặc biệt hơn. Có những nỗi buồn chẳng thể gọi thành tên với những người con xa xứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chắc hẳn nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương khắc khoải chẳng trừ một ai! Thời gian qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, một trong bốn trọng tâm của ngành Ngoại giao luôn được triển khai mạnh mẽ, toàn diện. Xuân Quê hương hay Tết cộng đồng… là “chốn về” của biết bao kiều bào, khỏa lấp đi những chênh vênh, thiếu vắng, để họ lại được cùng hát vang những bài ca đất nước, tạm quên đi lo toan, bộn bề, thăng trầm và sống vẹn tròn đúng nghĩa với Tết Việt.
Mỗi địa bàn, mỗi đất nước, mỗi châu lục trên quả địa cầu, Tết cộng đồng là những câu chuyện khác nhau nhưng chung một gam màu là sắc Xuân yên vui và tình yêu quê hương, đất nước!
“Biểu dương lực lượng” của cộng đồng đoàn kết
Tại Hàn Quốc, đất nước có cộng đồng người Việt Nam lớn thứ hai trên thế giới – khoảng 230.000 người, Tết Việt cũng thật ấm áp và ý nghĩa! Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng chia sẻ, việc tổ chức các hoạt động đón Tết tại Hàn Quốc luôn nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các thành viên trong cộng đồng.
Theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, người dân Hàn Quốc cũng chuẩn bị và đón Tết Âm lịch như Việt Nam. Càng về cuối năm, không khí đón Tết càng nhộn nhịp. Ai ai cũng cố gắng thu xếp công việc để có thêm thời gian dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, đi chợ chuẩn bị nấu các món ăn truyền thống, về thăm gia đình, đi lễ chùa và đi du lịch đầu năm... Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, công ty, trường học Hàn Quốc đều quan tâm giúp người Việt đón Tết. Trong bầu không khí ấy, người Việt ở Hàn Quốc cũng cảm thấy ấm lòng hơn dù phải ăn Tết xa xứ. Nhiều người trong cộng đồng cũng dần quen với cảm giác được ăn Tết ở quê mới Hàn Quốc. Đặc biệt, năm nay, điều kiện đi lại dễ dàng hơn và các biện pháp chống dịch Covid-19 đã giảm bớt, ngày càng có nhiều người được trải nghiệm ăn Tết ở cả hai quê Việt Nam và Hàn Quốc.
Hơn 200 đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đã đến tham dự sự kiện Xuân Quê hương do Đại sứ quán tổ chức với nhiều hoạt động kỷ niệm, giao lưu ấm cúng, thấm đậm tình yêu thương. Các hoạt động đón Tết khác cũng đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên khắp xứ sở kim chi. Các hoạt động đón Tết này đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc và năng lượng tích cực trong cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, đó là sự “biểu dương lực lượng” của một cộng đồng trẻ, năng động và đoàn kết tương thân tương ái trên đất nước bạn. Đó là sự thể hiện của việc hội nhập tương đối thành công của cộng đồng người Việt Nam vào xã hội sở tại cũng như sự chào đón, hỗ trợ của chính quyền và người dân Hàn Quốc đối với một bộ phận người Việt trên nước bạn. Và quan trọng không kém, đó còn là tinh thần hướng về quê hương đất nước, giữ gìn bản sắc dân tộc của những người con xa xứ. Tết là một cơ hội tuyệt vời để những tình cảm đó được bộc lộ đầy đủ.
Tổ chức và tham gia các hoạt động đón Tết, theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, đây còn là dịp để Đại sứ quán đồng hành với cộng đồng người Việt Nam và qua đó hình dung rõ hơn về những phương hướng hoạt động trong năm mới. “Chúng tôi coi đây là việc chủ động và tích cực triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần của Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới được Bộ Chính trị thông qua năm 2021”, Đại sứ nhấn mạnh.
Đến Helsinki – hành trình “về nhà”
Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm chia sẻ, ở một đất nước Âu châu xa xôi, Xuân Quý Mão đến với cộng đồng người Việt có khác hai năm trước, một mùa Xuân không còn dịch bệnh.
Điểm nhấn của Xuân hội ngộ ngày 14/1 tại Helsinki là chương trình ca nhạc sôi nổi kéo dài bốn giờ đồng hồ, bao gồm các tiết mục tài năng của cộng đồng ở nhiều lứa tuổi và từ nhiều vùng miền khác nhau; kết hợp với giao lưu ẩm thực, trò chơi cho trẻ em lần đầu được tổ chức, tạo ra một không khí Tết Việt rất riêng ở Phần Lan. Xuân Hội ngộ Helsinki là nơi gặp gỡ văn hóa Việt pha chất Phần Lan từ nhiều góc độ, bà con quây quần bên nhau, cùng thưởng thức món ăn truyền thống, trẻ em háo hức với các trò chơi dân gian mà cha mẹ, ông bà chúng từng tham gia trước kia ở Việt Nam. Quãng đường khoảng 200km hay 400km từ mọi miền đổ về thủ đô Helsinki không làm khó bà con, bởi có lẽ, đó là hành trình “về nhà”, về với Tết Việt.
Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm cho biết, quá trình chuẩn bị cho Tết cộng đồng rất công phu, kéo dài khoảng hai tháng, từ việc các tài năng trẻ đăng ký tiết mục văn nghệ, tập dượt, các gia đình huy động con cháu tham gia tình nguyện tập múa lân, múa sạp; phân công nhóm trang trí sân khấu, điều khiển màn hình, thiết bị âm thanh ánh sáng; phân công các gia đình chuẩn bị các món Việt như bánh chưng, giò chả, dưa hành, bánh khúc, bánh giò, tào phớ...
“Quan trọng nhất là dù xin nghỉ làm, giảm thu nhập để tham gia tình nguyện cho cộng đồng nhưng ai nấy đều nỗ lực hết sức chỉ bởi cùng chia sẻ một tâm niệm là duy trì không gian văn hóa Việt cho con cháu người Việt ở nước ngoài. Chuẩn bị cho sự kiện cũng là lúc các thành viên trong cộng đồng được gần gũi nhau hơn, là dịp trao đổi tình hình cuộc sống, công việc và hơn hết đó là sự đoàn kết của các thành viên”.
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2021, cộng đồng người Việt tại Phần Lan là hơn 13.000 người với hơn 3.000 trẻ em gốc Việt được sinh ra tại Phần Lan. Theo Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm, nếu như dân số Phần Lan đang trong xu hướng già đi thì cộng đồng người Việt là “phần trẻ trung, năng động” trong xã hội. Ngày càng nhiều bạn trẻ tới học tập và ở lại cư trú, lập gia đình và coi Phần Lan như quê hương thứ hai.
Nắm thật chặt “chất” quê hương
Nhận nhiệm vụ tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) vừa tròn hai tháng, với Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn, một điểm nhấn là tổ chức thành công hai Tết cộng đồng tại Bắc và Nam California. Tết cộng đồng ở Bắc California được tổ chức ngày 7/1 với trên 300 bà con tham dự, Tết cộng đồng ở Quận Cam được tổ chức ngày 28/1 với sự có mặt của trên 200 bà con.
Sự tham gia đông đủ của bà con, đại diện cho các tầng lớp, các giới, các hội đoàn khác nhau trong cộng đồng khiến Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn vô cùng xúc động và tự hào. Đã rất lâu kể từ trước khi có đại dịch Covid-19, bà con trong cộng đồng mới tụ họp đông đủ, chia sẻ và trò chuyện rôm rả về công việc, cuộc sống, làm sao hỗ trợ nhau tốt hơn, xây dựng cộng đồng ngày một vững mạnh hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho quê hương đất nước.
Rất nhiều người tham dự là những người thành đạt, không chỉ trong cộng đồng mà trong cả xã hội Mỹ. Điều này cho thấy sức sống, sự phát triển, khả năng thích ứng và hội nhập cao của cộng đồng gốc Việt Nam tại California cũng như tại nước Mỹ. Bà con mong muốn chung tay, góp sức để xây dựng quê hương đất nước ngày một phát triển, thịnh vượng và hùng cường hơn.
Trong những ngày Tết, có dịp đi thăm và chúc Tết bà con tại San Francisco, San Jose, Orange County hay San Diego... điều Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn cảm nhận rõ ràng hơn cả là bà con trong từng gia đình, từng cộng đồng nhỏ và cả cộng đồng lớn vẫn cố gắng nâng niu, gìn giữ các giá trị truyền thống của người Việt. Dạo bước trong những khu phố có đông đúc người Việt Nam sinh sống và làm ăn như Viet Nam Town (ở San Jose) hay Little Saigon (ở Orange County)... Tổng lãnh sự có cảm tưởng như mình đang ở đâu đó như khu vực chợ hoa phố Hàng Lược, Đồng Xuân ở Hà Nội hay chợ Bến Thành ở phía Nam. Đến đâu cũng thấy bà con tất bật sắm Tết.
“Cảm nhận của tôi cũng như của rất nhiều bà con là quê hương rất gần gũi. Ở một góc độ nào đó, ‘chất’ quê hương, ‘chất’ Việt Nam tại California cũng không khác mấy so với ở quê nhà. Có thể vì ở xa quê, nên bà con cố lưu giữ lâu, nắm thật chặt các ký ức nhất, như thể nếu không làm vậy thì sẽ bị mai một theo thời gian”.
Tết đến trong niềm háo hức nhưng rồi cũng nhẹ nhàng đi qua trả lại chúng ta về với cuộc sống thường ngày với bộn bề vốn có nhưng Tết sẽ vẫn lại đến như một “món quà” giữa những chặng nghỉ của thời gian! Gắn bó với quê hương là nét đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc, mà bất cứ ai mang dòng máu Việt đều không thể nào quên, như lời ca “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”… Tự hào sắc hương Xuân Việt vẫn luôn tỏa sáng khắp bốn biển, năm châu!
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/huong-sac-xuan-viet-toa-muon-phuong-215206.html