Hướng tiếp cận đa chiều trên hành trình giảm nghèo cho người dân Sơn Dương
Tại Sơn Dương, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành và địa phương quan tâm giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều. Trong đó, tạo việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo sinh kế bền vững là những giải pháp quan trọng.
Đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại Sơn Dương (Tuyên Quang) giảm còn 11,85%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,55 triệu đồng/người/năm. Năm qua, Sơn Dương được ghi nhận là địa phương kéo giảm mạnh số hộ nghèo, với hơn 3.200 hộ thoát nghèo (tương đương 6,42%), gần gấp đôi kế hoạch giao. Hiện toàn huyện có gần 6.000 hộ nghèo. Năm 2024, huyện Sơn Dương tiếp tục phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 56,46 triệu đồng/năm.
Huyện xác định công tác giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại Sơn Dương, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành và địa phương quan tâm giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều. Trong đó, tạo việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo sinh kế là những giải pháp quan trọng.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang mới đây, huyện Sơn Dương cho biết thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và công tác đưa người lao động đi nước ngoài trên địa bàn huyện, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình, đồng thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo huyện ban hành Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch triển khai thực hiện.
Công tác quản lý đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được huyện Sơn Dương coi là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ 105 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường. Số lượng lao động được hỗ trợ chính sách là 8 người, tổng số tiền hỗ trợ là 663 triệu đồng.
Trong năm 2023, huyện đã mở 19 lớp dạy nghề, tổ chức thành công 2 phiên giao dịch việc làm, tạo việc làm mới cho 5.423 người, đạt 109% kế hoạch. Hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo tại Sơn Dương được vay vốn để phát triển sản xuất, lao động hay giải quyết việc làm.
Huyện Sơn Dương phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tạo việc làm cho trên 16.700 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 7.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh; góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được huyện thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Địa phương đã huy động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho 396 hộ nghèo, với kinh phí hơn 18 tỷ đồng.
Năm 2024, anh Ma Văn Hiệu, thôn Rộc, xã Hợp Thành, đã được sống trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, đúng tiêu chí "3 cứng: Cứng nền, cứng khung - tường, cứng mái". Căn nhà của gia đình anh là món quà của Ủy ban MTTQ huyện Sơn Dương và các nhà hảo tâm, cùng nỗ lực vay mượn và tích cóp nhờ lao động cần cù của gia đình anh. Có nhà mới, anh cố gắng làm ăn, nuôi dạy con thật tốt, con được đến trường đầy đủ, chăm sóc y tế và phấn đấu nhanh thoát nghèo.
Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân nghèo, huyện Sơn Dương cấp trên 51.000 thẻ BHYT cho đối tượng nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 88,8%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) giảm còn 20,49%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh ngày càng tăng, vùng nông thôn đã đạt trên 95%.
Quan tâm về giáo dục, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%, trong đó có bằng nghề chứng chỉ đạt 26,2%. Năm qua, huyện tạo việc làm mới cho hơn 18.700 lao động.
Trợ lực để người nghèo có điểm tựa thoát nghèo, Sơn Dương tập trung các nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc…
Gia đình anh Phàng Đức Cảnh, thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật, được hỗ trợ vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 2 con bò giống. Anh Cảnh cho biết đến nay, đàn bò của gia đình đã nhân lên 5 con. Anh học cách chăn nuôi khép kín, đem lại thu nhập từ bán bò giống, bò thịt trên 30 triệu đồng. Điều này giúp gia đình anh nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều hộ gia đình tại thôn Bờ Hồ nơi anh Cảnh sinh sống cũng thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế trồng rừng, chè, chăn nuôi bò, nhờ đó, bà con không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.