Hướng tới chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho doanh nghiệp Việt
Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) không còn là vấn đề kỹ thuật kế toán, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thị trường tài chính ngày càng minh bạch, chuẩn hóa.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - Giải pháp và lộ trình cho doanh nghiệp Việt” do Tạp chí Kinh tế Tài chính tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.
Theo ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), GDP Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 470 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 786 tỷ USD - tương đương 165% GDP. Những con số này phản ánh rõ độ mở của nền kinh tế, đặt ra yêu cầu cấp thiết về minh bạch tài chính và chuẩn hóa báo cáo. “IFRS không còn là mong muốn mà là yêu cầu tất yếu. Việc triển khai IFRS không chỉ vì tuân thủ, mà là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.

Các diễn giả tham gia tọa đàm
Từ năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC về lộ trình áp dụng IFRS. Đến năm 2024, Luật sửa đổi bổ sung 9 luật (trong đó có Luật Kế toán) tiếp tục quy định Bộ Tài chính hướng dẫn chuẩn mực kế toán Việt Nam trên cơ sở quốc tế, làm nền tảng pháp lý cho tiến trình chuyển đổi IFRS.
Bộ Tài chính hiện đang xây dựng Thông tư hướng dẫn áp dụng IFRS tại Việt Nam, với nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Việc áp dụng sẽ theo hướng tự nguyện, phù hợp từng nhóm đối tượng. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế như ACCA, ICAEW triển khai các chương trình đào tạo miễn phí, giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực triển khai IFRS.
Tại tọa đàm, các chuyên gia khẳng định, chuyển đổi sang IFRS là một cuộc “đại phẫu” hệ thống quản trị doanh nghiệp. IFRS không chỉ yêu cầu thay đổi về quy trình kế toán mà còn đòi hỏi sự tham gia chủ động từ Ban giám đốc doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, chuẩn hóa dữ liệu và cập nhật công nghệ tài chính.
Ông Trần Hồng Kiên - Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết: “IFRS là bộ chuẩn dựa trên nguyên tắc, không phải quy tắc cứng nhắc. Doanh nghiệp phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch. Sự thành công trong chuyển đổi phụ thuộc vào cam kết thực chất từ lãnh đạo”.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc đào tạo Công ty Auditcare & Partners Việt Nam (ACV) chia sẻ: “Thách thức lớn nhất không nằm ở chi phí hay phần mềm mà ở tư duy lãnh đạo. Nếu xem IFRS là chiến lược nâng tầm doanh nghiệp, sẽ có hành động tương xứng”.
Các nội dung quan trọng được thảo luận còn bao gồm: Lợi ích khi hội nhập IFRS, tác động đến chất lượng quản trị, vai trò của AI, ERP, RPA trong lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế và các đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bày tỏ lo ngại về chi phí, nhân lực và dữ liệu. Các chuyên gia khuyến nghị cần khởi động sớm quá trình chuẩn bị: Đánh giá hiện trạng hệ thống tài chính - kế toán, nâng cấp phần mềm phù hợp và đào tạo nhân sự theo chuẩn quốc tế.
Trong bối cảnh hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng IFRS, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi. Việc tiếp cận IFRS không chỉ mang lại lợi ích cho từng doanh nghiệp mà còn tạo đà để thị trường tài chính Việt Nam minh bạch, ổn định và hội nhập hiệu quả hơn.