Hướng tới chuyển đổi số trong phổ biến pháp luật

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận và chính quyền các cấp, năm 2023 quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp từ quận đến cơ sở…

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Ảnh:B.D

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Ảnh:B.D

Theo lãnh đạo Phòng Tư pháp quận, đơn vị đã chủ trì, phối hợp các phòng ban, UBND các phường theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 80 KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, tạo sự chuyển biến thực sự rõ nét trong công tác PBGDPL trong năm 2023.

Triển khai công tác PBDPL toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở và gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của quận, của phường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hướng tới chuyển đổi số trong công tác này. Tạo điều kiện để công chức thuộc đơn vị học tập, nâng cao chất lượng và trình độ, phẩm chất, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, tích cực, chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành.

UBND các phường trong thực hiện nhiệm vụ đã chủ động, kịp thời tham mưu giúp UBND quận trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng và thực thi pháp luật. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, đẩy mạnh giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Tập trung thực hiện hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, góp phần quan trọng trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở, xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; giúp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài có nguy cơ bị lợi dụng để tuyên truyền tư tưởng phá hoại, chống phá Đảng và Nhà nước.

Quận thường xuyên quan tâm, rà soát, củng cố, xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, chú trọng thu hút lực lượng công an, bộ đội, cán bộ công chức đã công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Phối hợp với cơ quan dân vận các cấp trong việc đẩy mạnh thực hiện công tác hào giải ở cơ sở gắn với phong trào thi đua “dân vận khéo”.

Đẩy mạnh thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả “Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án” theo quy định. Tập trung thực hiện các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức hướng dẫn đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật.

UBND quận đã tổ chức thành công cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023 trên địa bàn quận. Với mục đích tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về pháp luật hòa giải ở cơ sở, các quy định pháp luật liên quan trực tiếp quyền và nghĩa vụ, đời sống hằng ngày của người dân, quy tắc ứng xử nơi công cộng, quy tắc ứng xử trong gia đình.

Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” của quận Hai Bà Trưng được thực hiện bằng hình thức xây dựng video đã diễn ra một cách nghiêm túc, thiết thực, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và phát huy tính chủ động, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin của các hòa giải viên, huy động được đông đảo đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tham gia. Cuộc thi cũng là hoạt động thiết thực của quận hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 và tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/huong-toi-chuyen-doi-so-trong-pho-bien-phap-luat-367294.html