HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MTTQ VIỆT NAM TỈNH LẦN THỨ IX (NHIỆM KỲ 2024 - 2029): Góp ý tâm huyết cho văn kiện, xây dựng địa phương vững mạnh

Rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) qua các thời kỳ, đông đảo đại diện các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức tôn giáo, các thành phần kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, các vị già làng, người uy tín tiêu biểu trong xã hội, cộng đồng dân tộc có góp ý cho công tác Mặt trận, cho văn kiện Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2024 - 2029). Những ý kiến tâm huyết trên tinh thần xây dựng, tháo gỡ khó khăn, đề ra giải pháp nhiệm kỳ tới sẽ góp phần hoàn chỉnh báo cáo chính trị, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng địa phương Lâm Đồng vững mạnh.

Nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong góp ý Văn kiện Đại hội đại biểu Mặt trận nhiệm kỳ 2024 - 2029

Nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong góp ý Văn kiện Đại hội đại biểu Mặt trận nhiệm kỳ 2024 - 2029

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Đường Anh Ngữ cho biết: Thông qua nhiều lần tổ chức hội thảo góp ý với nhiều thành phần, đối tượng khác nhau mang tính toàn diện, rộng khắp toàn tỉnh; Hội thảo đã thu lại nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng. Đa số các đại biểu góp ý, trong đó có ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ có tham gia đóng góp ý kiến đều mong muốn MTTQVN tỉnh nói riêng và MTTQVN các cấp nói chung cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn, thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận theo quy định. Qua đó góp phần vào quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là đối với việc các tầng lớp Nhân dân trong chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, các ý kiến góp ý đều bày tỏ mong muốn Mặt trận cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội nhiều hơn nữa, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Trong đó, nhiều đại biểu tâm huyết, đề nghị phát huy giám sát việc thực hiện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đội ngũ cán bộ chủ chốt theo quy định 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa, sâu sát, cụ thể hơn... Đề nghị, trong văn kiện chính trị Đại hội MTTQ nhiệm kỳ tới cần có đánh giá kỹ hơn, sát hơn về tình hình tư tưởng, tâm trạng Nhân dân...

MTTQ muốn làm tốt giám sát, phản biện thì người đứng đầu phải có trí tuệ và dũng khí. Người cán bộ lãnh đạo Mặt trận cần phải nắm chắc luật trên mọi lĩnh vực, không sợ hãi, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách mới giám sát được, mới phản biện được, mới tạo niềm tin trong dân… Đây cũng là quan điểm được Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trung ương định hướng, chỉ đạo và đặt vấn đề về phát huy vai trò, năng lực và tinh thần dũng khí của người cán bộ Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Thông qua nhiều lần góp ý, nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nghiêm túc tiếp thu, trên tinh thần cầu thị để bổ sung, hoàn thiện văn kiện trình đại hội sắp tới.

Có đại biểu đề nghị việc xây dựng báo cáo chính trị phải mang tính khái quát cao, không đi vào tiểu tiết nhỏ, và lưu ý về phương thức hoạt động của Mặt trận giai đoạn hiện nay cần phải chú trọng đến việc bảo đảm quyền lợi thiết thực cho Nhân dân. Mọi hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải hướng đến mục tiêu đầu tiên đó là đảm bảo quyền bình đẳng, đảm bảo lợi ích chính đáng cho Nhân dân. Phải tôn trọng lợi ích của dân, đảm bảo hạnh phúc cho Nhân dân. Xây dựng quan hệ hài hòa, chân thành, gần gũi với các tổ chức tôn giáo, các thành phần dân tộc để luôn hướng đến xây dựng một xã hội hòa bình, dân chủ, đồng thuận xã hội theo định hướng chung “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”.

Nhìn chung, hầu hết các ý kiến đều thống nhất và đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị đã được chuẩn bị công phu, chu đáo, chặt chẽ, kỹ lưỡng; bám sát đề cương hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN; Nghị quyết và Chương trình hành động của MTTQVN tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các mục tiêu, định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, yêu cầu thực tiễn công tác Mặt trận trong thời gian tới; đồng thời, nghiên cứu Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ VIII…

Về chủ đề Đại hội, Dự thảo báo cáo chính trị (lần 1 và lần 2) đề ra 2 phương án: (1) “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Đồng thuận - Phát triển” , (2) “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”. Qua các hội nghị góp ý, nhiều ý kiến đề nghị nên chọn phương án 1, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp thu và thống nhất nội dung Chủ đề Đại hội gồm 5 thành tố đó là: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Đồng thuận - Phát triển”.

Về tiêu đề Báo cáo chính trị, Dự thảo Báo cáo chính trị (lần 1 và lần 2) đưa ra 2 tiêu đề:

Phương án 1: “Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò nòng cốt để Nhân dân làm chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước”.

Phương án 2: “Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước”.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xác định tiêu đề chính thức của Báo cáo chính trị là “Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường dân chủ, đồng thuận xã hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước”.

Tiêu đề này đã khái quát được động lực, nội dung, phương pháp, mục tiêu hành động cho cả nhiệm kỳ, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của MTTQVN tỉnh trong giai đoạn mới và mục tiêu, chiến lược của tỉnh Lâm Đồng và đã được Hội nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh lần thứ 13, khóa VIII thống nhất thông qua.

Về bố cục, hầu hết các ý kiến thống nhất về bố cục của dự thảo Báo cáo chính trị; cho rằng bố cục báo cáo chặt chẽ, bám sát đề cương hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN...

Về nội dung, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao và cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị trình, cho rằng chuẩn bị khá công phu, nhận định đánh giá toàn diện tình hình Nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổng hợp, phản ánh đầy đủ hoạt động của MTTQVN tỉnh trong nhiệm kỳ 2019-2024, đồng thời phân tích đánh giá được những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sát với tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời nhận định bối cảnh tình hình chung và đề ra phương hướng, mục tiêu chung, xác định các chỉ tiêu cụ thể và chương trình hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể trong nhiệm kỳ mới có tính khả thi, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều ý kiến khẳng định, nhiệm kỳ qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình đất nước và địa phương Lâm Đồng tiếp tục phát triển. Kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng khá; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; văn hóa, xã hội có những chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202407/huong-toi-dai-hoi-dai-bieu-mttq-viet-nam-tinh-lan-thu-ix-nhiem-ky-2024-2029-gop-y-tam-huyet-cho-van-kien-xay-dung-dia-phuong-vung-manh-7a5240a/