Hướng tới hiện đại hóa ngành xây dựng, vật liệu

Ngành xây dựng, vật liệu đang chịu áp lực không hề nhỏ trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Chính vì thế thúc đẩy chuyển đổi ngành theo hướng tối ưu sản xuất, thân thiện với môi trường là giải pháp để đưa các sản phẩm vật liệu xây dựng đứng vững trên thị trường.

Dây chuyền sản xuất tấm tường Acotec tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai. Ảnh: Trần Dũng

Dây chuyền sản xuất tấm tường Acotec tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai. Ảnh: Trần Dũng

Sản xuất xanh, tối ưu hóa

Kỹ sư Nguyễn Đức Hiệp - Trưởng Phòng kỹ thuật Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường xây dựng nhà ở, DN có hướng đi riêng khi liên tiếp trúng thầu các dự án nhà công nghiệp có nguồn vốn FDI như dự án Nitori, SMC, Asahi, SLP, Logos, Toho. Để làm được điều đó, DN không ngừng cải tiến công nghệ trong lĩnh vực xây dựng, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, công ty đã đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất tấm tường Acotec đã được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong nhiều dự án lớn, đạt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tiến độ thi công nhanh, tối ưu chi phí, thân thiện môi trường và hoàn toàn phù hợp với xu hướng xây dựng hiện đại nhằm thay thế cho tường xây truyền thống khi có khối lượng nhẹ, tiến độ thi công nhanh, sử dụng ít nhân công.

Tấm tường Acotec do DN sản xuất nhẹ chỉ bằng 1/2 - 1/3 so với tường gạch truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí nền móng công trình; có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy tốt; thi công tốc độ nhanh gấp 3 - 5 lần tường xây thông thường, nhân lực thi công ít hơn và thi công sạch sẽ hơn; thi công điện nước theo các lỗ rỗng sẵn có của tấm giúp giảm 50% nhân công cho công tác cắt đục tường…

"Tấm tường Acotec đang được các chủ đầu tư lựa chọn là phương án tối ưu thay thế gạch nung truyền thống, những loại viên xây khác tại công trình nhà ở, chung cư, trường học, bệnh viện như: khách sạn cao cấp (Pullman - Hải Phòng, Citadines - Hạ Long…), các chung cư cao cấp (khu đô thị Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City, Ecogreen Sài Gòn…), trường học quốc tế" - ông Nguyễn Đức Hiệp cho hay.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế tạo máy và Sản xuất vật liệu mới Trung Hậu Trần Trung Nghĩa chia sẻ, ưu tiên sử dụng phế thải để sản xuất vật liệu xây dựng nhằm giảm giá thành. Với sản phẩm "gạch ống - xi măng cốt liệu" nguyên liệu chủ yếu hầu như sẵn có ở tất cả địa phương gồm phụ gia, xi măng và cát hoặc mạt đá; chất thải rắn xây dựng, chất thải công nghiệp khác.

"Giá thành sản xuất rẻ hơn gạch đất sét nung truyền thống vì hàm lượng xi măng rất thấp và có thể sử dụng các phế liệu gốc silic như mạt đá, xi nhan nhiệt điện... Từ đó lợi nhuận cao hơn do giá thành rẻ và được giảm thuế thu nhập DN đến 10 năm và được vay vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ" - ông Trần Trung Nghĩa cho biết.

Có một thực tế rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó các nguồn vật liệu xây dựng tự nhiên đang dần cạn kiệt do việc khai thác quá mức cộng với nhu cầu của con người ngày càng tăng cao. Hơn thế, một số vật liệu xây dựng không chỉ có tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người mà còn là một mối nguy hại với môi trường.

Tuy nhiên, việc hiện đại hóa sản xuất, thi công có thể giúp DN tối ưu hóa tốt hơn việc sử dụng vật liệu tại chỗ, theo dõi chính xác mức sử dụng vật liệu để hạn chế lãng phí.

Mở giải pháp

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, xu thế kiến trúc và xây dựng trong tương lai sẽ khai thác nhiều các ứng dụng công nghệ như internet vạn vật, điều khiển tự động thông minh để ứng dụng vào một công trình sẽ là xu hướng tất yếu. Từ việc thiết kế phương án kiến trúc trước đây tiêu tốn trung bình 15 giờ thì hiện nay với các phần mềm hỗ trợ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như Chat GPT, Midjourney, Architechtures... sẽ rút ngắn đáng kể để cho ra thiết kế hoàn thiện.

Còn với các DN trong sản xuất vật liệu, việc tự động hóa dây chuyền sản xuất và thông minh hóa thiết bị sẽ nâng cao hiệu suất và chất lượng, đồng thời kiểm soát và cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị. Quản lý sản xuất tiêu chuẩn đòi hỏi hệ thống hóa tiến độ sản xuất và xây dựng cơ chế quản lý, từ đó phân bổ và tính toán chính xác chi phí sản xuất, tăng hiệu suất báo giá và bảo đảm lợi nhuận.

Ngoài ra, nắm bắt lượng phát thải, tiêu thụ năng lượng và triển khai quản lý năng lượng theo các tiêu chuẩn ISO (14064, 14067, 50001) là cần thiết để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững.

Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng để cố gắng tối ưu hóa hoạt động, cải thiện độ an toàn và giảm chi phí, sẽ chuyển sang ứng dụng AI. Vì để đạt được lợi thế cạnh tranh, và dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian không xa.

Thạc sĩ Vũ Thanh Hải - nguyên Trưởng Ban ứng dụng AI Tập đoàn Viettel chia sẻ, AI đã xuất hiện từ lâu dưới các mô hình học máy truyền thống (AI thế hệ 1.0) chẳng hạn như nhận diện khuôn mặt, phát hiện bất thường... Tuy nhiên, chỉ vài năm trở lại đây, AI mới thực sự bùng nổ nhờ sự xuất hiện của AI tạo sinh (AI thế hệ 2.0) với khả năng tạo ra nhiều nội dung mới như văn bản, hình ảnh, video và được ứng dụng vào nhiều hoạt động chuyên sâu như lập trình, giải bài tập.

Dù có tiềm năng vô cùng lớn trong việc giúp DN chạm tới sự tăng trưởng vượt bậc, tuy nhiên, ứng dụng AI để chuyển đổi hoạt động kinh doanh vẫn là một điều khó khăn. Bởi lẽ, các DN sẽ đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ bao gồm áp dụng tốt AI thế hệ 1.0 và nắm bắt những cơ hội mới từ AI tạo sinh (AI thế hệ 2.0).

“Nếu đòi hỏi ứng dụng AI mà 3 tháng sau phải có kết quả, phải tăng thêm doanh thu là điều rất khó. Thế nhưng trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ tạo ra những tiềm năng khác chẳng hạn như nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó có nhiều dữ liệu hơn cho DN” - thạc sĩ Vũ Thanh Hải nhìn nhận.

Thành Luân - Hồng Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huong-toi-hien-dai-hoa-nganh-xay-dung-vat-lieu.html