Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất tại nơi làm việc, bảo vệ người lao động LGBTI

Tại tọa đàm 'Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất tại nơi làm việc' vừa được tổ chức, đại diện các doanh nghiệp đã nêu nhiều khó khăn mà LGBTI (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính) đối mặt và chia sẻ nhiều giải pháp giá trị để thực trạng được cải thiện.

Tham dự tọa đàm, đại diện Tập đoàn P&G Việt Nam, ông Ưng Hoàng Lợi chia sẻ: “P&G Headquarter ở Mỹ đã có những chính sách và có những công cuộc đấu tranh cho người LGBTI bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Nhân viên của P&G đều rất cởi mở để chấp nhận những thay đổi của xã hội. Mình đang ở một đất nước đang phát triển, mặc dù đã có nhiều thay đổi về hiến pháp để ủng hộ cho người LGBTI, nhưng mình vẫn còn chậm hơn những quốc gia phát triển khác rất là nhiều".

Trong môi trường làm việc, 55% tổng số người tham gia khảo sát đã và đang đi làm, trong đó cứ 4 người thì có ít nhất 1 người thỉnh thoảng nghe, nhìn, đọc được những nhận xét, bình luận tiêu cực về LGBTI từ đồng nghiệp (23.5%); tỷ lệ nghe được những điều này từ cấp trên là 17.9%, và từ khách hàng, đối tác là 16.3%. Đây là những hành vi được đánh giá là cá biệt, thỉnh thoảng xảy ra.

(Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường)

Ông Lợi cho biết, tại P&G, có một chính sách, tạm gọi là "Chính sách dành riêng cho phụ huynh". Khi các bạn LGBTI có em bé, thì các bạn sẽ có 8 tuần nghỉ có lương để chính các bạn và gia đình sẽ được sinh hoạt như những bạn được hưởng chính sách thai sản. Có một vấn đề rất đơn giản khác như bảo hiểm sức khỏe gia đình.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) vừa công bố cho thấy, nhóm chuyển giới thường xuyên gặp nhiều trở ngại hơn trong quá trình đi làm, như người chuyển giới nữ bị hạn chế thăng tiến (10.5%), hoặc bị buộc mặc đồng phục không đúng mong muốn (21.4%), bị trả lương thấp hơn so với người khác cùng vị trí (5.3%), và 11.8% người chuyển giới nam cho rằng mình thường xuyên bị từ chối các phúc lợi lao động (bảo hiểm sức khỏe, thăm khám sức khỏe định kỳ, chính sách phúc lợi đi kèm cho người thân..).

Đại diện Trung tâm ICS, bà Ngô Lê Phương Linh chia sẻ: “Với mong muốn hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp để công bằng hơn với người LGBTI, trung tâm ICS tham gia nhiều vào các cuộc thảo luận về bình đẳng giới. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận mới đơn thuần xoay quanh việc trao quyền cho nữ giới, nhưng thật sự có không gian cho người trong cộng đồng LGBTI được cất lên tiếng nói của mình.

ICS khuyến khích doanh nghiệp triển khai xây dựng môi trường làm việc theo hai khía cạnh: Tổ chức những buổi training với sự tư vấn từ chuyên gia, đồng thời xây dựng tổ chức chống phân biệt đối xử và có hệ thống hỗ trợ liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử trong môi trường làm việc.

Từ nhiều khảo sát, nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường đề xuất một số khuyến nghị liên quan đến các vấn đề về việc làm và lồng ghép giới: Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, cơ quan chuyên môn phụ trách các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc và xem xét mở rộng các khái niệm về giới, bản dạng giới trong quá trình tham vấn sửa đổi luật Bình đẳng giới 2006, đồng thời xem xét lồng ghép vấn đề chống phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới và xu hướng tính dục vào các hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019.

Theo Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường, các mạng lưới liên quan đến doanh nghiệp cần thúc đẩy nhiều hơn các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng, dung hợp với các nhóm đa dạng giới nơi công sở. Điều này tạo ra cơ chế ba bên hữu hiệu để bảo vệ người lao động LGBTI trong các trường hợp bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng, trả lương hay chế độ lao động khác.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/huong-toi-hoa-nhap-va-binh-dang-thuc-chat-tai-noi-lam-viec-bao-ve-nguoi-lao-dong-lgbti-d8359.html