Hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Bảo Lâm đứng thứ hai chỉ số cải cách hành chính cấp huyện
Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính huyện Bảo Lâm được xếp hạng tăng liền 7 bậc so với năm trước và đứng thứ 2/12 huyện, thành phố trong tỉnh. Điều gì đã khiến Bảo Lâm có cuộc bứt phá tương đối ngoạn mục trong lĩnh vực cải cách hành chính ở địa phương?
Câu trả lời có lẽ không nằm ngoài mục tiêu và đích đến của việc cải cách hành chính (CCHC) tại các cơ quan, sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh đó là: Dựa trên quan điểm CCHC nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới mà ở đó điểm cốt lõi không nằm ngoài xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Việc CCHC cần phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Chính từ ý nghĩa đó, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lâm đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
Qua đó, những năm gần đây, từ sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên công tác CCHC của huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác CCHC được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn. Công tác CCHC của huyện Bảo Lâm luôn gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đáng nói hơn, đó là công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được huyện đẩy mạnh triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian đi lại, giảm chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Phòng Nội vụ huyện Bảo Lâm, đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 65% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến một phần và toàn trình; trên 90% thủ tục hành chính có nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; đặc biệt trên 90% văn bản (trừ văn bản mật) trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử. Do đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính hàng năm của huyện đạt tương đối cao, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chỉ số hài lòng của người dân cũng như doanh nghiệp, nhất là nâng cao chỉ số CCHC của huyện. Với sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên trong năm 2023, kết quả chỉ số CCHC của huyện đạt 87,53% điểm, xếp vị trí thứ 2/12 huyện, thành phố và tăng 7 bậc so với năm 2022. Đáng kể trong đó chỉ số hài lòng qua điều tra xã hội học đạt 93,52% điểm, xếp vị trí thứ nhất trong 12 huyện, thành phố của tỉnh và tăng 10 bậc so với cùng kỳ năm trước.
Để duy trì thành tích đạt được nêu trên, bà Nguyễn Thị Duyên - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bảo Lâm cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC thời gian tới, huyện Bảo Lâm sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành “Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó đặt ra mục tiêu thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự phát triển của huyện Bảo Lâm nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; chú trọng cải cách thủ tục hành chính dựa trên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.