Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Sức sống mới Lộc Bảo
Hôm nay, về xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm), xe ô tô đến tận thôn, buôn của người Mạ, Tày, Nùng… sinh sống; nhà dân, các cơ quan, trường học, nhà văn hóa… mái ngói đỏ tươi; tiếng trẻ em học bài râm ran trong những ngôi trường mới, đủ biết đổi thay vượt bậc của xã nghèo vùng sâu đã một thời gian khó…
• VÙNG “ĐẤT LỬA” NĂM XƯA
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhất là giai đoạn 1960-1975, xã Lộc Bảo thuộc “Căn cứ Bắc” được Trung ương chọn xây dựng đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, nơi đón tiếp cán bộ cao cấp của Trung ương, miền Bắc tăng cường lãnh đạo cuộc kháng chiến tại miền Nam và Đông Nam Bộ. Bởi vậy, Lộc Bảo nằm trong vùng “đất lửa” bị kẻ thù đánh phá rất ác liệt. Nhân dân Lộc Bảo đã cùng Nhân dân “Căn cứ Bắc” đóng góp tất cả của cải, xương máu để bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ và phong trào cách mạng trong những năm tháng hết sức khó khăn.
Đến năm 1994, Lộc Bảo được thành lập (trên cơ sở tách ra từ xã Lộc Bắc cũ). Những năm đầu, Lộc Bảo gặp rất nhiều khó khăn, bất cập của một xã 100% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa, sống biệt lập, thói quen du canh, du cư; tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu… Do đó, lúc tách lập xã (năm 1994), toàn xã Lộc Bảo có 25.480 ha đất tự nhiên; trong đó có 349,3 ha đất nông nghiệp; 22.490 ha đất lâm nghiệp và 2.640,7 ha đất hoang. Toàn xã có 257 hộ với 1.198 nhân khẩu sinh sống ở 3 thôn, phần lớn là người Mạ. Thời điểm đó, trên 60% dân số thiếu đói, bệnh tật hoành hành; thất học, mù chữ… đè nặng lên trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Bảo và huyện Bảo Lâm.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện Bảo Lâm đã triển khai các nghị quyết, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng DTTS, miền núi; sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền xã đã phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, vận động Nhân dân xây dựng Lộc Bảo từng bước phát triển…
Từ năm 1995 đến nay, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Bảo đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình 134, 135, Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới… Đặc biệt, ý thức không cam chịu đói nghèo của người DTTS được khơi gợi, “đánh thức” đã từng ngày biến xã nghèo này trở thành vùng đất trù phú.
• LỘC BẢO BÂY GIỜ
Về Lộc Bảo hôm nay, bất cứ ai cũng đều “nhận diện” sự đổi thay vượt bậc: 25 km đường giao nối các thôn, buôn được nhựa hóa; nối xã với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận; điện lưới quốc gia thắp sáng tận nhà dân; nhà cửa Nhân dân, trụ sở Đảng ủy và UBND xã, các công trình công cộng được xây dựng khang trang, hiện đại hiện ra bên những vườn cà phê, cao su xanh ngút ngàn và ngọt ngào cây trái!…
Sau 30 năm xây dựng, đến nay diện tích đất sản xuất; các loại cây trồng, cơ cấu vật nuôi; tình hình dân cư, dân tộc, dân số xã Lộc Bảo đã có nhiều thay đổi. Nhất là khoảng 10 năm gần đây, chính quyền địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nhờ đó, diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày liên tục gia tăng, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Toàn xã có 185,4 ha chè, 400 ha cà phê, 2.647 ha cao su, 158,3 ha cây ăn quả các loại… Năm 2023, diện tích các loại cây trồng mới toàn xã 76,31 ha; Nhân dân tập trung chuyển đổi giống cây trồng các loại: Sầu riêng 39,04 ha, bơ 12,6 ha, mắc ca 24,4 ha, mít 12 ha, măng cụt 13 ha…
Hiện nay, dân số toàn xã có 1336 hộ, với 4.744 nhân khẩu, có 9 dân tộc anh em (Kinh, Mạ, K’Ho, Tày, Nùng, M’Nông, Hoa…) sinh sống tại 4 thôn; trong đó, người DTTS chiếm 53,47%. Hiện xã có 68 hộ người DTTS có mức thu nhập khá, giàu. Đặc biệt, bơ và sầu riêng đang là cây “làm giàu” của Nhân dân Lộc Bảo (khoảng 120 ha) cho thu nhập khá cao. Chăn nuôi, tổng đàn gia súc toàn xã hơn 1.777 con; đàn gia cầm 9.120 con; có 5 nhà nuôi yến, mang lại nguồn thu đáng kể cho Nhân dân Lộc Bảo.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ xã Lộc Bảo đạt cao: Toàn xã huy động hơn 89 tỷ đồng từ các nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng và các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhà văn hóa xã được xây dựng mới rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của Nhân dân. Hệ thống trường học trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm sâu, chỉ còn 3,38%, hộ cận nghèo chiếm 4,04%. Tháng 5/2022, xã Lộc Bảo được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới...
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị xã Lộc Bảo là điểm sáng rất đáng ghi nhận. Đến nay, Đảng bộ xã Lộc Bảo có 125 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ trực thuộc; (4/4 thôn đều có chi bộ). Nhiều năm liền, Đảng bộ xã Lộc Bảo đạt “Trong sạch vững mạnh”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xã phát huy tốt vai trò, chức năng góp phần cùng Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong nhiều năm qua…
Chia tay các cán bộ xã Lộc Bảo trong những cái bắt tay rất chặt. Dù vẫn còn những khó khăn nhất định; song, chúng tôi tin, với trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân ở một địa danh anh hùng sẽ phấn đấu đưa Lộc Bảo trở thành một vùng đất giàu, đẹp, đáng sống trong tương lai…