HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN: YÊN BÁI MỘT NHIỆM KỲ PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cùng với Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực đổi mới hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân.
Trong phát biểu vận động bầu cử tháng 5/2016, đại biểu Dương Văn Thống nói: "Nếu được cử tri trong tỉnh tiếp tục tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XIV, cá nhân tôi sẽ quán triệt đường lối của Đảng, góp phần tích cực hơn nữa vào xây dựng luật và các quyết sách của Quốc hội. Quan trọng hơn là phải làm sao mà từ thực tiễn của Yên Bái và từ những kiến nghị chính đáng của cử tri…”.
Đó không chỉ là lời hứa, trong thực tiễn hoạt động, các vị đại biểu của Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh đã thể hiện vai trò là người đại biểu của nhân dân với nhiều ý kiến tham gia tại nghị trường các kỳ họp. Những kiến nghị, đề xuất của đại biểu đã thể hiện sự trăn trở trước đòi hỏi chính đáng của cử tri và nhân dân; đồng thời, là sự đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để người dân Yên Bái và các tỉnh có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Trong nhiệm kỳ, các vị ĐBQH của tỉnh đóng góp nhiều ý kiến tham gia vào các dự án luật, các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri, trước Quốc hội. Đoàn đã tham gia quyết định sửa đổi, ban hành mới các bộ luật và luật như: Luật Tín ngưỡng, Luật Tôn giáo, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Cảnh sát biển Việt Nam...
Riêng năm 2019, ĐBQH tỉnh đã cho ý kiến đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Lực lượng dự bị động viên... tham gia Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Liên quan đến những nhu cầu kết cấu hạ tầng để tỉnh Yên Bái phát triển, đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm để Yên Bái có thể đẩy nhanh hơn các dự án đã có chủ trương và bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương dự phòng giai đoạn này như dự án công trình cầu Cổ Phúc nối trung tâm huyện Trấn Yên với các xã bên tả ngạn sông Hồng; dự án tuyến nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thị xã Nghĩa Lộ bằng nguồn ADB, dự án đường Trạm Tấu - Bắc Yên - Sơn La; dự án đường Khánh Hòa (Lục Yên) với huyện Văn Yên thuộc dự án xây dựng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội huyện nghèo. Hôm nay, cây cầu Cổ Phúc đã được đầu tư và trở thành cây cầu bắc qua sông Hồng được triển khai thi công nhanh nhất, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân hai bên bờ sông Hồng của huyện Trấn Yên…
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 16 đợt giám sát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có một số chuyên đề lớn như: việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, giai đoạn 2011 - 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách, tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011 - 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em...
Thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 107 ý kiến (gồm cả nhóm vấn đề) kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; 72 ý kiến (gồm cả nhóm vấn đề) kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị hữu quan và các địa phương liên quan đến nội dung giám sát. Nhiều kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh được các cơ quan, ngành, các cấp tiếp thu, xem xét giải quyết kịp thời.
Cùng với đó, Đoàn đã tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri ở nhiều điểm với trên hàng chục ngàn cử tri ở các địa phương tham dự đề đạt tâm tư nguyện vọng. Đáng chú ý trong hoạt động tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ của Đoàn ĐBQH tỉnh là đã chú trọng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan hữu quan các cấp tổ chức tiếp xúc với cử tri các thôn, bản tại các xã, cụm xã vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tại các hội nghị tiếp xúc, đã ghi nhận không khí cởi mở, dân chủ để cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và các đề nghị, kiến nghị mà cử tri muốn thông qua đại biểu, chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các vị đại biểu đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình hoặc thông tin kết quả các kỳ họp Quốc hội; đồng thời, tổng hợp nhiều ý kiến của cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương và của tỉnh giải quyết và trả lời...
Với sự nỗ lực của từng đại biểu, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới; mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu với cử tri đã góp phần quan trọng để ĐBQH phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, các ngành, các cấp trong tỉnh đến diễn đàn Quốc hội. Đó cũng là động lực, để mỗi ĐBQH vươn lên hoàn thành tốt trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó trong suốt nhiệm kỳ 2016 - 2021./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=51026