Hướng tới mục tiêu 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được chuẩn hóa, liên thông và chia sẻ đồng bộ
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 214/NQ-CP ngày 23/7/2025, phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số toàn diện, khẳng định vai trò trung tâm của dữ liệu trong công cuộc hiện đại hóa nền hành chính và phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành phải được rà soát, xây dựng, bổ sung, chuẩn hóa toàn diện theo tiêu chuẩn chung, bao quát đầy đủ các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu hiệu quả giữa các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Việc này nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Kế hoạch yêu cầu xây dựng đồng bộ kiến trúc hệ thống và nền tảng dùng chung từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo liên thông dữ liệu giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan Đảng, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này nhằm thực thi hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, trình Thủ tướng ban hành Quyết định về Kiến trúc dữ liệu quốc gia tổng thể, khung quản trị dữ liệu và từ điển dữ liệu dùng chung, hoàn thành trong tháng 8/2025. Đồng thời, Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu bắt buộc trong hệ thống chính trị, trình Chính phủ theo thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành có trách nhiệm hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến chuyển đổi số, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh điện tử và quản trị dữ liệu; đồng thời, khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật kết nối chia sẻ dữ liệu.
Các văn bản chuyên ngành cũng sẽ được rà soát và sửa đổi nhằm công nhận đầy đủ giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, hồ sơ điện tử, thay thế hoàn toàn yêu cầu nộp bản giấy trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Bộ Công an, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, sẽ tiến hành đánh giá tổng thể hiện trạng các cơ sở dữ liệu hiện có và xây dựng chiến lược dữ liệu chuyên ngành.
Đặc biệt, kế hoạch đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện 11 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trọng yếu trong năm 2025, bao gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo; Cơ sở dữ liệu hộ tịch; Cơ sở dữ liệu ngành y tế; Cơ sở dữ liệu về hàng hóa; Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; Cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập; Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính; Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và Cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
Địa phương sẽ thực hiện chuẩn hóa và đồng bộ dữ liệu theo nền tảng số dùng chung của Trung ương, ưu tiên số hóa dữ liệu phục vụ cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Về hạ tầng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số, bảo đảm khả năng kết nối giữa các cơ quan nhà nước, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, Chính phủ sẽ nâng cấp Mạng truyền số liệu chuyên dùng, hướng đến một hệ thống kết nối trực tiếp từ Trung ương tới địa phương với tiêu chuẩn bảo mật cao, hoàn thành trong tháng 8/2025.
Các bộ, ngành sẽ phát triển nền tảng số quốc gia dùng chung và hệ thống thông tin quy mô quốc gia, triển khai thống nhất trên toàn quốc, đảm bảo tích hợp và chia sẻ dữ liệu hiệu quả.
UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm sử dụng, kết nối và đồng bộ dữ liệu vào các nền tảng dùng chung này, hoàn thành trong tháng 12/2025.
Chính phủ thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về Dữ liệu, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Bộ Công an đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giám sát, điều phối, triển khai chiến lược dữ liệu, tích hợp, khai thác, lưu trữ, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên dữ liệu quốc gia.
Tại cấp địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố là Trưởng ban chỉ đạo dữ liệu địa phương, đảm trách nhiệm vụ điều phối xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ các cơ sở dữ liệu theo đúng định hướng chiến lược quốc gia.