Hướng tới mục tiêu cao nhất

Một lần nữa, vấn đề bảo đảm cung ứng xăng, dầu lại khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn về vấn đề này. Theo Bộ Công Thương, từ tháng 4-2022, Bộ đã chủ động giao các doanh nghiệp nhập khẩu tăng sản lượng (tăng thêm 25%) để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn vận hành hết công suất, trong quý III-2022 dự kiến cung ứng 3,9 triệu mét khối xăng, dầu (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu mét khối/tháng). Còn quý IV-2022, hai đơn vị này dự kiến sản xuất 4,4 triệu mét khối (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu mét khối/tháng).

Như vậy, nguồn cung xăng, dầu cho thị trường không bị thiếu hụt. Ngày 25-8, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi sở công thương các tỉnh, thành phố; các thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối xăng, dầu, đề nghị bảo đảm nguồn cung xăng, dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước dịp cuối năm 2022.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều thương nhân phân phối, nhất là ở khu vực phía Nam, kêu thiếu xăng, dầu để bán ra thị trường. Tại Hà Nội, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra việc kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn; phát hiện có 16 cửa hàng dừng bán một phần. Kiểm tra thực tế bể chứa, lực lượng chức năng kết luận không có tình trạng “găm hàng” mà các cửa hàng này quả thật hết hàng và đang chờ nhập về. So với tổng số 492 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội, đây là con số cá biệt, nhưng phần nào cũng cho thấy sự lo lắng của người dân là có cơ sở.

Sự lo lắng xuất phát từ việc xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh. Sự lo lắng còn ở chỗ mặt hàng xăng, dầu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi thị trường thế giới đang biến động với nhiều bất ổn. Và cả hai nhà máy lọc dầu trong nước cũng từng gặp “vấn đề”, gây tác động đến nguồn cung. Vì thế, bảo đảm ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng, dầu thị trường trong nước là câu chuyện thời sự lúc này.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã kịp thời thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng, dầu tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Dư luận mong rằng đoàn kiểm tra sẽ kịp thời phát hiện bất cập để chấn chỉnh, tham mưu Bộ Công Thương có giải pháp điều hành chính xác; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm ổn định thị trường. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng nên lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp để nhanh chóng xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phân phối xăng, dầu. Bởi doanh nghiệp phân phối là đầu mối quan trọng đối với sự ổn định thị trường.

Đối với doanh nghiệp, vấn đề đặt lên trên hết là mục tiêu bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển kinh tế. Khi xác định rõ mục tiêu, doanh nghiệp sẽ biết hài hòa lợi ích giữa xã hội và doanh nghiệp, biết chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi, hài hòa lợi ích là giải pháp lâu dài hướng tới phát triển bền vững.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng, dầu trong nước luôn giữ ổn định trong mọi hoàn cảnh. Cùng với việc chủ động điều hành, kiểm soát mọi biến động, kiềm chế đà tăng giá, đây là cơ sở để tự tin rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường xăng, dầu tiếp tục được duy trì bình ổn; là cơ sở để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế - xã hội, khôi phục đà phát triển - mục tiêu cao nhất cần hướng tới.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1041581/huong-toi-muc-tieu-cao-nhat